10 Dấu Hiệu Chứng Minh Bạn có Tố Chất của Một Nhà Lãnh Đạo Xã Hội
09/07/2021
Theo cách định nghĩa của nhiều người, khả năng lãnh đạo xã hội là khái niệm gắn liền với đạo đức, chuẩn mực, và trách nhiệm đối với xã hội. Trong khi đó, một số khác lại tin rằng, lãnh đạo xã hội thể hiện khả năng dẫn dắt những người cộng sự bằng kỹ năng xã hội hoặc sự thấu cảm.
Không chỉ dừng ở công việc quản lý thông thường, một nhà lãnh đạo xã hội thực thụ phải biết cách nuôi dưỡng lòng tin, sự quan tâm, tôn trọng giữa các thành viên trong đội ngũ của mình.
Đặc biệt, hàng loạt khủng hoảng từ 2020 đã đánh dấu sự thay đổi trong cách vận hành và xây dựng chiến lược của nhiều doanh nghiệp. Điều này buộc các nhà quản lý phải nghiêm túc nhìn nhận về thực tế mà mình đang và sắp phải đối mặt. Đó là sự xuất hiện của những biến động liên tục, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều phương diện từ kinh tế đến môi trường, xã hội.
Từ đại dịch toàn cầu, thảm họa môi trường đến các cuộc biểu tình chống lại sự bất công, rõ ràng đây là thời điểm chúng ta cần những người đủ khả năng để giải quyết những vấn đề ấy. Không ai khác, họ chính là những nhà lãnh đạo xã hội hay còn được biết đến với tên gọi: nhà lãnh đạo bền vững.
10 phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo xã hội
Vậy đâu là điều tạo nên một nhà lãnh đạo xã hội đúng nghĩa? Dưới đây là 10 phẩm chất nền tảng quyết định sự thành công của một nhà lãnh đạo xã hội:
1/ Nhà lãnh đạo xã hội luôn cư xử khiêm tốn và đề cao sự thấu cảm vì họ hiểu rằng, quản lý cũng đồng nghĩa với việc trao quyền cho mọi người được đối xử công bằng cũng như có cơ hội trau dồi và phát triển.
2/ Nhà lãnh đạo xã hội sẽ có những cách truyền đạt đầy thuyết phục, bởi theo họ, cách truyền đạt hấp dẫn sẽ tăng tính hiệu quả cho công việc, trong khi những từ ngữ quá máy móc thường không thể phát huy tác dụng.
3/ Họ luôn chân thành trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Một nhà lãnh đạo xã hội thực thụ sẽ hiểu rõ, sự chân thành phải xuất phát từ bên trong chứ không thể ngụy tạo hay gượng ép.
4/ Nhà lãnh đạo xã hội sẽ không ngừng phát triển bản thân, đồng thời giúp đỡ người khác.
5/ Họ sẵn sàng gác lại lợi ích cá nhân để cố gắng vì tập thể và đấu tranh cho sự công bằng.
6/ Nhà lãnh đạo xã hội nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng nơi họ làm việc: Họ hiểu rõ và nắm bắt được tổ chức, nơi làm việc của mình, thông qua việc luôn xuất hiện kịp thời, xây dựng uy tín và danh tiếng độc lập của họ trong đội ngũ, chứ không chỉ dựa vào danh tiếng hay uy tín của tổ chức.
7/ Nhà lãnh đạo xã hội sẽ hướng đến những nguyên tắc, quy định mang tính cộng đồng và thực thi chúng thông qua sự đồng thuận của các thành viên chứ không dựa trên sự ép buộc.
8/ Họ cũng sẽ chủ động chia sẻ công việc với mọi người để khuyến khích sự phản hồi và đóng góp. Đồng thời, thông qua việc chia sẻ, các thành viên cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những nhà lãnh đạo của mình và dễ dàng vận dụng vào công việc. Sau một thời gian, chính những tương tác này sẽ tạo nên sự gắn kết chân thực giữa nhà lãnh đạo và đội ngũ nhân viên.
9/ Họ luôn dành sự tôn trọng cho người khác cả trong công việc lẫn cuộc sống.
10/ Nhà lãnh đạo xã hội luôn tìm cách định lượng những thay đổi, bởi vì với họ, sự đo lường chính là nền tảng cho mọi quyết định và sự biến đổi.
Phong cách lãnh đạo xã hội sẽ là chìa khóa giúp những nhà quản trị củng cố tiếng nói và vai trò của mình trong Thời đại Thông tin (Social Age). Theo đó, nhiệm vụ của họ là tìm ra một mục tiêu chung và thiết lập các bước tiến cụ thể, từ đó xây dựng định hướng rõ ràng, trang bị cho mỗi nhân viên những phương tiện cần thiết để hoàn thành mục tiêu ấy. Nhờ đó, năng suất và hiệu quả công việc của tổ chức sẽ được tối ưu hóa.