3 Xu Hướng Nhân Sự trong Năm 2021: Sự Linh Hoạt là Yếu Tố Tiên Quyết
18/06/2021
Các chuyên gia nhận định rằng, COVID-19 đã, đang và sẽ thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta làm việc. Vì thế, ưu tiên hàng đầu của các nhà quản lý chính là làm thế nào để cải thiện năng suất, mức độ cam kết và nâng cao hiệu quả lao động cho đội ngũ nhân viên.
Áp dụng mô hình làm việc từ xa
Sự bùng phát của dịch bệnh buộc người lao động phải làm việc từ xa để đảm bảo an toàn cho chính mình và xã hội, bên cạnh việc duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ khía cạnh tích cực, mô hình làm việc từ xa cũng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động nhờ vào khung giờ làm việc linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển,… Mô hình này cũng được dự đoán sẽ tiếp tục thịnh hành trong 2021 và nhiều năm sắp tới.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đang áp dụng mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng. Nhờ đó, nhân viên chỉ cần đến công ty một vài ngày nhất định trong tuần để làm việc. Trước thực tế này, doanh nghiệp cần phải xem xét lại các chính sách để duy trì đặc tính doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng công nghệ, sự phối hợp trong nội bộ lao động và yếu tố cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của nhân viên. Ngoài ra, nhà quản lý cũng cần đánh giá hiệu quả của nhân viên một cách toàn diện dựa trên tổng năng suất và chất lượng hoàn thành thay vì chỉ tính toán số thời gian làm việc.
Ở một mức độ nào đó, việc nhân viên vắng mặt tại văn phòng có thể gây ảnh hưởng đến thành tích của cá nhân lẫn tập thể. Doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu linh hoạt, đồng thời liên tục cập nhập dữ liệu để thường xuyên theo dõi tiến độ, hiệu suất hoạt động và mức độ tăng trưởng công việc. Sự nhấn mạnh về quản lý hiệu suất cũng sẽ thay đổi khi làm việc từ xa.
Cải tiến quy trình tính lương
Sử dụng hệ thống quản lý lương dựa trên cơ sở dữ liệu đám mây sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng một quy trình quản lý an toàn và đa dạng hơn. Nhiều chuyên gia dự báo, đây sẽ là xu thế tất yếu trong năm 2021 khi ngày càng có nhiều công ty chú trọng việc nghiên cứu và cải tiến để các quy trình vận hành hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ tính lương của Talentnet để đánh giá và xem xét những lựa chọn phù hợp nhất cho công ty.
Nâng cao trải nghiệm nhân viên
Dịch COVID-19 đã dần thay đổi định nghĩa về trải nghiệm của nhân viên khi môi trường văn phòng hay những yếu tố vật chất không còn là tác nhân quyết định. Trong một nghiên cứu gần đây của McKinsey, năm 2021 đã tạo ra hiện thực mới cho các doanh nghiệp khi nâng cao khả năng lãnh đạo và bản lĩnh tự tin sẽ là ưu tiên hàng đầu để xây dựng đội ngũ lao động tương lai. Điều này cũng không quá bất ngờ vì phần lớn nhân viên cần một môi trường làm việc đáng tin cậy và thân thiện, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động. Vì thế, từ phương diện nhân sự, năm 2021 sẽ là một năm các doanh nghiệp tăng cường trải nghiệm nhân viên, củng cố các chính sách cam kết và chương trình thúc đẩy động lực.
Đầu tiên, các chế độ phúc lợi sẽ được nâng cấp để cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên một cách tốt hơn. Nghiên cứu về Quyền lợi Tương lai (Future of Benefits) của Hartford vào tháng 8 năm 2020 đã chỉ ra rằng, nhân viên đặc biệt quan tâm đến các quyền lợi về chính sách nghỉ phép có lương (52%), bảo hiểm y tế (48%), chế độ hỗ trợ nhân viên (56%) và các cơ sở chăm sóc sức khỏe tinh thần (51%).
Tiếp đó, doanh nghiệp có thể chuyển đổi các hoạt động gắn kết nhân viên từ hình thức ngoại tuyến sang trực tuyến, chẳng hạn như tổ chức các buổi gắn kết đội ngũ , các lớp học yoga, chăm sóc sức khỏe trên các nền tảng quen thuộc như Zoom.
Cuối cùng, nhà quản lý cũng cần bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến trải nghiệm đời sống của nhân viên thông qua những phúc lợi không liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Điển hình, Chanty đã tạo động lực cho đội ngũ lao động bằng khoản tiền thưởng 100 đô la cho các bữa tiệc nhỏ hoặc quà tặng gia đình. Năm 2021 cũng chứng kiến xu hướng nhiều doanh nghiệp trực tiếp gửi thực phẩm đến nhà của nhân viên để giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí từ việc tự đi chợ và nấu nướng. Những sáng kiến này cũng phần nào thể hiện sự đồng hành, quan tâm giúp đỡ một cách thiết thực của doanh nghiệp đối với người lao động, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.
Đâu sẽ là xu hướng nhân sự tiếp theo?
Có thể nói, ngành nhân sự đang trải qua một thời kỳ cải cách khi những quy trình, phương thức quản lý truyền thống từ năm 2020 dần được thay thế bởi các hoạt động đề cao trải nghiệm thực tế của nhân viên. Trong đó, các chính sách nâng cao sức khỏe tinh thần và những mô hình làm việc làm việc hiện đại sẽ là những xu hướng định hình bức tranh nhân sự trong thời gian tới.
Nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi và ứng dụng tối đa khoa học dữ liệu vào hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D), Talentnet sẽ mang đến những giải pháp nhân sự toàn diện, được tối ưu hoá theo nhu cầu thực tế của mỗi doanh nghiệp. Hãy để lại thông tin liên hệ để chúng tôi có thể tư vấn thêm những giải pháp nhân sự hiện đại và tiết kiệm chi phí nhất, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.