7 Cách Tiếp Thêm Động Lực Cho Nhân Viên Làm Việc Từ Xa
20/05/2021
Gần đây, có khi nào chúng ta nhận thấy động lực làm việc của những thành viên trong nhóm đang giảm sút hay không? Chính những áp lực về mặt tinh thần và những mối lo ngại về kinh tế do đại dịch mang tới đã khiến không ít trong tất cả chúng ta cảm thấy thực sự mệt mỏi. Và trong lúc nhu cầu làm việc tại nhà tiếp tục kéo dài mỗi ngày, khả năng cao là động lực của nhân viên có thể theo đó mà sụt giảm đáng kể.
Một bài khảo sát được nêu ra trong Harvard Business Review gần đây cho thấy rằng những cá nhân có được sự lựa chọn về nơi làm việc của mình, nhân viên làm việc từ xa thường cảm thấy không có động lực bằng đồng nghiệp của mình nơi văn phòng. Còn đối với nhóm không có lựa chọn về nơi làm việc (giống như rất nhiều trong số chúng ta vào năm 2020), động lực này thậm chí còn sụt giảm nhiều hơn. Trên thực tế, nó giảm hẳn 16 điểm – điều này tương đồng với sự sụt giảm mà một cá nhân sẽ cảm thấy khi họ chuyển từ một công ty với văn hóa tốt nhất sang một công ty có văn hóa tệ nhất trong ngành nghề của họ.
Giúp nhân viên của chúng ta duy trì năng lượng là mục đích vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ một nơi làm việc tích cực và hiệu quả. Trong lúc COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc của mọi người, những nhà tuyển dụng nên ra sức hỗ trợ nhân viên và chú ý đến các sáng kiến mà họ có thể đem đến cho công việc.
Đâu Là Dấu Hiệu Cho Thấy Nhân Viên Đang Bị Thiếu Đi Động Lực?
Để củng cố kỹ năng tương tác của nhân viên, hãy cân nhắc tới những biểu hiện dưới đây và suy nghĩ xem liệu có bất kỳ dấu hiệu nào xuất hiện ở nhân viên của mình không:
- Họ thường xuyên đến trễ trong các buổi họp
- Có sự thay đổi trong tâm trạng của họ
- Họ thiếu tập trung
- Họ ngày càng vắng mặt trong các sự kiện ở công sở hoặc các buổi team-building.
- Họ dính vào các cuộc tranh luận tiêu cực hoặc xung đột
- Họ miễn cưỡng trong việc tham gia vào các cuộc nói chuyện
- Họ không quan tâm tới việc giải quyết những vấn đề mới
- Họ không hoàn thành dự án đúng hạn, hoặc sản phẩm công việc của họ không đạt yêu cầu
Những biểu hiện của sự thay đổi trong tổ chức sẽ phụ thuộc vào các thành viên trong nhóm bạn. Ví dụ, nếu một cá nhân không có xu hướng Tư duy Xã hội, họ có thể không tham dự vào các sự kiện team-building nhưng vẫn có thể cảm thấy luôn có động lực. Hoặc nếu nhân viên của bạn thuộc nhóm phần ba đầu tiên trong xu hướng biểu cảm, họ có thể vẫn tích cực tham gia dù là họ vẫn luôn có thói quen giữ yên lặng trong các buổi họp.
Điều quan trọng cần nhớ khi tham khảo danh sách ở trên là hãy tìm ra những thay đổi thực sự trong hành vi chứ không phải là biểu hiện chỉ diễn ra vài đôi lần. Đôi khi trong tất cả chúng ta, ai cũng sẽ gặp phải một ngày tồi tệ, và vào những ngày này việc cảm xúc bản thân dâng cao hay có thể gây ra sự thiếu tập trung là điều bình thường khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu một thành viên thường xuyên đóng góp ý kiến cho các buổi họp thông qua các tương tác bằng lời nói bỗng dưng có vẻ khép mình, đó là một biểu hiện bạn cần phải kiểm tra. Nếu hành vi này trở nên thường xuyên hơn, hoàn toàn hợp lý khi nghĩ rằng năng lượng của họ có thể đang cạn kiệt.
Chúng ta Có Thể Làm Gì Để Tiếp Thêm Động Lực Cho Đội Ngũ Của Mình?
1. Bắt đầu bằng việc kết nối với nhân viên theo cách khiến họ cảm thấy được đồng cảm.
Nếu một thành viên trong nhóm có vẻ đang gặp khó khăn, hãy bắt đầu bằng việc kiểm tra tình trạng của họ ở trong những cuộc họp 1-1 nội bộ. Niềm tin luôn cần thời gian để xây dựng, vì thế hãy bắt đầu đơn giản bằng cách dần tìm hiểu nhân viên của mình. Thời gian đầu, một số có thể muốn chia sẻ cuộc sống cá nhân của mình, trong khi một số sẽ luôn muốn giữ tính chuyên nghiệp trong cuộc nói chuyện.
Hãy khuyến khích họ nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe và tận dụng thời gian nghỉ có hưởng lương của họ. Ngay cả khi họ không đi du lịch, việc dành thời gian nghỉ ngơi là rất quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay. Việc nghỉ ngơi đã luôn được chứng minh là có thể giúp nâng cao hiệu suất làm việc, giảm căng thẳng, và tăng tương tác cho nhân viên.
Chúng ta cũng có thể cân nhắc việc sử dụng Hồ Sơ Emergenetics® với các thành viên trong nhóm mình. Khi bạn hiểu sở thích của họ, bạn có thể thu hút họ hơn nhờ việc giao tiếp và kết nối sao cho hợp với lối Tư duy và Xu hướng hành động của họ.
2. Cân nhắc tới khối lượng công việc của các thành viên.
Có thể là nhân viên của chúng ta đang cảm thấy bị choáng ngợp bởi khối lượng công việc hằng ngày. Điều này có thể tác động tiêu cực đến động lực của họ. Trong khi bạn kiểm tra từng cá nhân, hãy nhớ hỏi họ đang cảm thấy thế nào về khối lượng công việc của họ. Liệu nó có quá nhiều không? Hay đôi khi là quá ít?
Nếu họ có quá nhiều việc để làm, hãy giúp họ sắp đặt những ưu tiên cho công việc của mình. Nếu bạn hay một nhân viên nào đó có mẹo trong việc quản lý thời gian, hãy chia sẻ nó với các thành viên còn lại.
Hãy nhớ rằng: Mục tiêu của chúng ta là tập trung vào sự cân bằng và đưa ra những lời gợi ý giúp nhân viên có thể quản lý khối lượng công việc của mình được tốt hơn. Mục tiêu ở đây không phải là sự quản lý vi mô. Hãy cố gắng giữ tập trung vào kết quả hơn là nhiệm vụ, trừ khi cá nhân ấy trực tiếp hỏi nhờ sự hướng dẫn của bạn trong việc quản lý các nhiệm vụ.
3. Nói rõ ra những kỳ vọng và mục tiêu.
Nhân viên có thể thấy bản thân thiếu đi động lực khi họ không rõ kết quả cần đạt được là gì. Hãy minh bạch về các kỳ vọng, chia sẻ bất kỳ các thông số và hướng dẫn cũng như giải thích vai trò của nhân viên trong từng dự án.
Thêm nữa, hãy cân nhắc làm việc với thành viên trong đội để định ra “lý do” đằng sau công việc của họ. Bằng cách giúp họ hiểu giá trị của những dự án họ góp sức vào, bạn có thể thiết lập được một môi trường làm việc đầy động lực hơn.
Hãy bắt cặp với nhân viên của bạn để lập ra một khung sườn về mục tiêu cũng như nhận định các chỉ số ưu tiên giúp cả hai biết được liệu dự án có thành công hay không.
4. Giúp nhân viên luôn cảm thấy công việc của họ có ý nghĩa.
Thành viên trong nhóm có thể mất đi động lực nếu họ cảm thấy xa rời khỏi tổ chức của bạn. Điều này có thể dễ xảy ra hơn trong môi trường làm việc từ xa. Một cách để giúp nhân viên cảm thấy gắn kết hơn trong công việc của mình là đảm bảo rằng họ có cơ hội để trải nghiệm những sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.
Nên đặt tầm nhìn và giá trị của công ty ở vị trí trung tâm hàng đầu. Khi nhân viên cảm thấy tổ chức của họ đang đại diện cho một điều gì đó, họ thường sẽ cảm thấy gắn kết hơn.
Cuối cùng, hãy tạo ra các cơ hội để kết nối với các thành viên trong nhóm và đồng nghiệp ở những bộ phận khác nhau. Nhân viên thường dành nhiều công sức vào công việc hơn khi họ có bạn bè ở chỗ làm, vì thể hãy dành thời gian để giúp đội ngũ của bạn được gắn kết và thúc đẩy động lực.
5. Truyền cảm hứng cho nhân viên bằng các cơ hội phát triển.
Nhân viên sẽ gắn kết hơn khi họ đang trong quá trình được học hỏi và phát triển. Hỗ trợ họ tiến xa hơn trong sự nghiệp bằng cách đưa ra các cơ hội phát triển nghề nghiệp. Mặc dù bạn có thể đã nghĩ tới các khóa đào tạo cụ thể, hãy luôn hỏi nhân viên về việc họ có kỹ năng nào cần phát triển không? Đồng thời, hãy liên hệ với đội ngũ Đào tạo và Phát triển hoặc đội ngũ Nhân sự để xem liệu có chương trình bổ sung nào trong tầm tay bạn không.
Chúng ta cũng có thể thu hút các cá nhân bằng cách cùng “lôi kéo” họ tham gia giải quyết vấn đề. Đại dịch đã khiến tất cả doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi. Điều này có thể đã tạo ra những cơ hội mới để phát triển. Bằng cách cho nhân viên cơ hội để chia sẻ ý tưởng và tham gia các dự án đóng góp cho sự sống còn của công ty, bạn đã có thể tiếp thêm năng lượng cho họ.
6. Cho phép các thử nghiệm.
Khi cho nhân viên thấy chúng ta luôn tin tưởng ở họ, động lực nơi họ tăng lên. Một cách để thể hiện niềm tin của bạn là hãy trao cho họ quyền quyết định.
Một cơ hội khác nữa chính là khuyến khích nhân viên khám phá và thử nghiệm những phương pháp cùng công nghệ mới hỗ trợ cho công việc. Hãy cho phép họ thử nghiệm dựa trên các nền tảng hoặc đề xuất những thay đổi trong chính sách, cách vận hành, và thông lệ của công ty.
Chúng ta cũng có thể cho nhân viên thời gian để làm những dự án mà họ đam mê bằng cách đề nghị chính sách chia quỹ thời gian – cho phép sử dụng 10% thời gian làm việc để khám phá một dự án không liên quan đến chức năng công việc hoặc khuyến khích họ tham gia vào một đội đặc nhiệm tập trung cho một dự án phù hợp với sở thích của họ.
7. Cùng suy ngẫm mọi vấn đề.
Việc dành thời gian để suy ngẫm lại mọi thứ có thể khá khó khăn nhưng chúng lại vô cùng quan trọng đối với sự tham gia và học hỏi của chúng ta. Hàng tháng hoặc hàng tuần nếu có thể, hãy tạo thói quen này cho các thành viên trong nhóm để ngẫm lại về những gì họ đã đạt được và những điều mà họ muốn làm khác đi.
Ở trong những cuộc họp 1:1 nội bộ, hãy đưa ra phản hồi và dành thời gian suy ngẫm lại. Những phản hồi tích cực và mang tính xây dựng có thể giúp cá nhân cảm thấy họ đang được học hỏi và điều này sẽ đóng góp cho sự tương tác cũng như gắn kết.
Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng chúng ta sẽ tổ chức ăn mừng với nhóm cũng như với từng thành viên. Hãy nghĩ về những chiến thắng và những điều đã học được để nhân viên của bạn cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh. Điều này giúp họ tiếp tục cố gắng cho những thứ mới, ngay cả khi gặp thất bại.
Thời điểm năm 2020 vừa qua chắc chắn đã giúp chúng ta kiểm tra động lực nơi hệ thống nhân viên của mình. Trong lúc bạn đang cân nhắc cho những chiến lược được nêu ở trên để hỗ trợ nhân viên của mình, hãy dành thêm những đặc ân cho chính bản thân cũng như các thành viên trong nhóm.
Mặc dù chúng ta luôn luôn muốn nhân viên cảm thấy có động lực và gắn kết, sự sụt giảm vẫn có thể sẽ xảy ra, đặc biệt là trong tình hình đại dịch hiện nay. Nếu chúng ta có thể tiếp cận những trồi sụt này với sự đồng cảm và thấu hiểu, cả bạn lẫn nhân viên sẽ được ở một vị trí tốt hơn rất nhiều để có thể xoay sở cho những thách thức trong năm nay và sắp tới.
Nguồn: Emergenetics International