Cập Nhật Qui Định Về Thời Gian Làm Thêm Giờ Và Hỗ Trợ Tiền Thuê Nhà Cho Người Lao Động
26/04/2022
Cập nhật mới nhất: Tăng giới hạn giờ làm thêm từ 200 giờ lên đến 300 giờ/năm và Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
1. Thời gian làm thêm giờ trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động
Ngày 23 tháng 3 năm 2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội (“Nghị quyết”).
Theo đó, Nghị quyết qui định về số giờ làm thêm trong 01 năm và trong 01 tháng như sau:
a. Số giờ làm thêm trong 01 năm
Trường hợp người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động (“NLĐ”) thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
- NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
- NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Không áp dụng qui định trên đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 1071 của Bộ luật Lao động.
Như vậy, liên quan việc sử dụng NLĐ làm thêm giờ trên 200 giờ/năm nhưng không quá 300 giờ/năm, Quý Doanh nghiệp lưu ý:
- Nếu Quý Doanh nghiệp thuộc trường hợp qui định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động, Điều 612 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (“Nghị định 145”) thì Quý Doanh nghiệp nên áp dụng qui định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động và Điều 61 Nghị định 145.
- Nếu Quý Doanh nghiệp không thuộc trường hợp qui định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động, Điều 61 Nghị định 145, Quý Doanh nghiệp có thể áp dụng qui định nêu trên của Nghị quyết; tuy nhiên lưu ý các trường hợp loại trừ.
Qui định này của Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
b. Số giờ làm thêm trong 01 tháng
Trường hợp NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng.
Như vậy, theo qui định nêu trên trong các trường hợp NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm thì NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng khi được sự đồng ý của NLĐ.
Qui định này của Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2022.
2. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Ngày 28 tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ (“Quyết định 08”).
Theo đó, Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà cho (i) NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp; và (ii) NLĐ quay trở lại thị trường lao động, cụ thể như sau:
2.1. NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp
a. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ:
NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm3 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến 30/6/2022.
- Có hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 01 tháng 4 năm 2022.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (“BHXH”) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
b. Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả:
- Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người/tháng.
- Thời gian hỗ trợ: Tối đa 3 tháng.
- Phương thức chi trả: Hằng tháng.
2.2. NLĐ quay trở lại thị trường lao động
a. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ:
NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2022 đến 30/06/2022.
- Có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2022 đến 30/06/2022, trừ HĐLĐ giao kết tiếp nối của HĐLĐ đã giao kết và thực hiện trước đó.
- Đang tham gia BHXH tại tháng liền kề trước thời điểm NSDLĐ lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH, NLĐ mới tuyển dụng và có giao kết HĐLĐ nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia BHXH của cơ quan bảo hiểm xã hội thì phải có tên trong danh sách trả lương của NSDLĐ của tháng liền kề trước thời điểm NSDLĐ lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
b. Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả:
- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.
- Thời gian hỗ trợ: Tối đa 3 tháng.
- Phương thức chi trả: Hằng tháng.
Quyết định 08 có hiệu lực từ ngày 28/3/2022.
———————-
1. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất.
2. Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động, các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm:
- Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn phát sinh từ các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động;
- Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp;
- Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.
3. Khu vực kinh tế trọng điểm:
- Khu kinh tế được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
- 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc 04 vùng kinh tế trọng điểm được quy hoạch, thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang).