Gắn Kết Nhân Sự
25/05/2024
Các chính sách phúc lợi, khơi gợi tinh thần nâng cao hiệu suất làm việc... sẽ giúp người lao động giảm áp lực trong cuộc sống và gắn kết với doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 đã làm thị trường lao động Việt Nam thay đổi cách thức hoạt động và góp phần hình thành các xu hướng làm việc mới. Trong đó có nhóm người lao động (NLĐ) đi làm nhưng không nỗ lực trong công việc được ví như “xác sống công sở”, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động tại nhiều doanh nghiệp.
Nhận diện “xác sống”
Những năm gần đây, xu hướng nhân sự này gia tăng, nhất là ở nhóm lao động trẻ (sinh từ năm 1981 – 2012). Dấu hiệu nhận biết “xác sống công sở” có các dạng phổ biến như: người luôn có lý do để biện hộ cho kết quả công việc kém, người với vẻ ngoài luôn bận rộn nhưng thực chất chỉ làm những việc ít quan trọng; người luôn nói có với mọi yêu cầu dù không thực sự hiểu hoặc không quan tâm; người thể hiện mình biết, không chịu lắng nghe ai; ngoài mặt thì đồng tình, ủng hộ nhưng trong lòng thì phản đối…
2024 được dự báo sẽ là năm đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của “xác sống công sở”, khi có 88% nguồn nhân lực bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với 67% vào năm 2017. Từ những số liệu trên, có thể thấy đó không phải hoàn toàn là do môi trường của công ty.
Nhiều chuyên gia nhân sự đánh giá đây là một loại “virus” không gây nguy hiểm lập tức đến con người, song khiến doanh nghiệp cần phải dè chừng. tuy nhiên, trong giai đoạn khởi phát, nếu doanh nghiệp sớm nhận biết những dấu hiệu và đưa ra phương pháp “trị liệu” hữu hiệu thì sẽ vực dậy nhóm người này có ý thức hơn. Trong đó, người làm nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp phải là nòng cốt.
Thúc đẩy môi trường làm việc năng động
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Books, cho rằng doanh nghiệp và các nhà quản lý cần có chiến lược toàn diện về cải thiện văn hóa công ty.
Tại Saigon Books hiện áp dụng các phương thức như: tạo điều kiện để nhân viên phát triển chuyên môn, tăng cường giao tiếp và phản hồi, chú trọng đến sự cân bằng công việc và cuộc sống… để điều trị cho những “xác sống công sở”. Việc kết hợp những yếu tố này với chính sách lương, thưởng hợp lý sẽ giúp giảm thiểu số lượng “xác sống” và thúc đẩy môi trường làm việc năng động và hiệu quả hơn.
Theo bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Marketing và Trải nghiệm khách hàng Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài Talentnet, những chương trình “khen thưởng tức thì” thông qua các ứng dụng nội bộ đã giúp doanh nghiệp này ngăn chặn từ gốc tình trạng “xác sống công sở”.
Bên cạnh đó, hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, Talentnet còn nâng cấp hàng loạt chính sách ngày nghỉ thông thường như: chuyển đổi nghỉ phép do bệnh thành nghỉ phép cá nhân (thay vì phải có giấy phép khám bệnh mới được xin nghỉ như trước đây); mỗi tuần làm việc tại nhà được duy trì từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, để nhân viên có thể linh hoạt sắp xếp công việc và cuộc sống riêng…
“Công ty luôn khuyến khích nhân viên nhìn thấy ý nghĩa trong công việc mình làm thông qua những buổi chia sẻ, nói chuyện chuyên đề. Chúng tôi tin rằng ngoài thêm nhiều ngày nghỉ, phần thưởng, công việc mới cũng là chìa khóa làm nên sức bền của người lao động tại một doanh nghiệp” – bà Hà bày tỏ.