Khi Doanh Nghiệp “Ra Dẻ", Khen Nhân Viên Làm Sao Cho Văn Vẻ?
27/10/2022
Nếu nói động lực chính khi đi làm của nhân viên là tiền lương, vậy khi đến thời điểm “vật chất không còn quyết định ý thức”, doanh nghiệp phải làm sao để giữ chân nhân sự?
1. Phần thưởng cảm xúc mang lợi ích tương đương tiền thưởng
Nếu những lời cổ vũ, động viên là liều doping cho cầu thủ vượt lên ghi bàn, thì với người lao động, đó chính là các “phần thưởng cảm xúc”: sự công nhận, khen thưởng đúng lúc từ quản lý, doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những động lực lớn nhất, với hơn 67% nhà quản trị, cấp quản lý và nhân viên đánh giá có tác động tích cực với năng suất lao động của các thành viên trong công ty, vượt trội hơn hẳn các khuyến khích tài chính (theo nghiên cứu của McKinsey).
Quan trọng là thế, nhưng trên thực tế, có đến 28% nhân sự cảm thấy không được đánh giá cao trong công việc. Việc không được công nhận có thể chỉ là một “gợn sóng nhỏ” trong lòng người lao động, nhưng nó có thể tích tụ thành “bão lớn” nếu doanh nghiệp thiếu đi sự thấu hiểu và chiến lược động viên hợp lý.
Công nhận và khích lệ tại doanh nghiệp đôi khi không cần đến các chiến lược “cao siêu” hay phần thưởng hoành tráng, mà những lời động viên, các hoạt động khen thưởng đúng lúc cũng có thể mang đến những giá trị thiết thực, góp phần giải quyết bài toán khó về quản trị nhân sự. Theo nghiên cứu của Watson Wyatt, các công ty sử dụng các hoạt động ghi nhận lợi nhuận trung bình trong 3 năm đạt 109%, con số này là 52% đối với những công ty không thực hiện.
Sự khen ngợi, động viên có tác động lớn đến động lực làm việc của người lao động
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: “Hơn cả các giá trị tài chính, người lao động cần sự khuyến khích về mặt tinh thần nhiều hơn bao giờ hết. Các hoạt động khen thưởng đúng người, đúng lúc theo nhiều cách thức khác nhau có thể giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng, từ đó gắn kết hơn với tổ chức, doanh nghiệp”.
2. Những lời khen thiết thực tạo động lực cho nhân viên
Khen thưởng có muôn hình vạn trạng, doanh nghiệp quản trị cảm xúc của nhân sự thông qua khen ngợi cũng có hàng trăm cách thức thể hiện để làm bật lên giá trị và sức nặng của lời khen. Theo bà Hương: “Sự khen thưởng tạo ra những giá trị lớn. Doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc duy trì những hình thức khen thưởng quen thuộc nhưng vẫn hiệu quả, và bổ sung các hình thức tôn vinh sáng tạo hơn, “ghi dấu ấn” trong lòng người lao động”.
- Không bỏ qua các hình thức khen thưởng “cổ điển” nhưng đắt giá:
Các cách thức khen thưởng như trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương, cúp vinh danh khi nhân viên đạt thành tích dù quen thuộc nhưng vẫn giữ nguyên giá trị “thu phục nhân tâm”. Hiệu quả của các hoạt động này có thể sẽ tăng lên gấp bội nếu lãnh đạo, quản lý thể hiện sự quan tâm, ghi nhận quá trình phấn đấu một cách chân thành, trực tiếp như gửi một bức thư tay bày tỏ sự khích lệ, hoặc khen ngợi trực tiếp nhân viên trong các group làm việc nội bộ như Gmail, Facebook…
Bên cạnh đó, việc ghi nhận kết quả công việc mỗi ngày cũng là cách đánh thức động lực làm việc cho nhân sự. Những sự khích lệ nhỏ này sẽ giúp nhân viên gần gũi và gắn kết hơn với doanh nghiệp.
- Những hoạt động khen thưởng bất ngờ, sáng tạo
Ngoài ra, những cách thức khen ngợi sáng tạo, mới lạ cũng tạo động lực không kém cho nhân viên. Đơn cử như tạo ra những hoạt động khen thưởng, tuyên dương một cách bất ngờ đến gia đình như gửi phần thưởng qua chuyển phát nhanh, thư tay cảm ơn về gia đình nhân viên là tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng sẽ mang lại giá trị cảm xúc to lớn.
Ngoài ra, dưới sự phát triển của công nghệ thông tin, thì các hoạt động khen thưởng cũng dần được số hóa. Doanh nghiệp có thể sử dụng UrStaff – Giải pháp phúc lợi số dành cho doanh nghiệp – để tạo ra những hoạt động mới trong ghi nhận sự cố gắng của người lao động, từ tặng thưởng những kit quà bất ngờ, tới điểm thưởng để nhân viên có thể tự do lựa chọn thẻ quà ưa thích từ kho quà tặng vật lý, và điện tử. Trải nghiệm nhận lời khen, nhận thưởng của nhân viên cũng được cá nhân hóa với nhiều tính tương tác sẽ góp phần giúp cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc và gắn kết với doanh nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, có khen thì phải có phê bình trên tinh thần đóng góp xây dựng, theo nguyên tắc “khen ở đám đông, chê trong phòng kín”. Những nhân sự có tinh thần cầu thị sẽ là người biết cách học hỏi, tiếp thu và phát triển tiềm năng bản thân. Đồng thời, doanh nghiệp có thêm cơ hội chọn lọc, rèn dũa và phát triển mạng lưới nhân tài.
Nhân sự là tài sản quý giá, tạo nên giá trị lợi nhuận và sự phát triển của doanh nghiệp. Sự công nhận và khen thưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tinh thần nhân viên và giữ chân nhân sự.