Trả Lương Vào Ngày Nào Trong Tháng?
27/06/2022
Tiền lương luôn là vấn đề được lưu tâm hàng đầu của người lao động khi ký kết hợp đồng hay cân nhắc ứng tuyển bất kỳ một công việc nào. Thấu hiểu được những nỗi lo ấy, bài viết dưới đây Talentnet sẽ cùng bạn đi tìm hiểu câu trả lời cho vấn đề trả lương vào ngày nào trong tháng: Lương được trả dựa trên nguyên tắc nào? Tiền lương được trả vào ngày nào trong tháng? Các hình thức trả lương phổ biến là gì?
1. Định nghĩa tiền lương
Dưới góc độ kinh tế, tiền lương là biểu hiện vật chất thể hiện giá trị sức lao động, là khoản tiền người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng trước đó.
Xét dưới góc độ của người sử dụng lao động, tiền lương là một trong những chi phí đầu vào của quá trình sản xuất còn khi nhìn từ góc độ của người lao động, đây lại được coi là khoản thù lao tương ứng với công sức: tâm lực, trí lực, thể lực họ bỏ ra.
Nhìn từ nhiều góc độ, tiền lương là sự tổng hòa giữa các mối quan hệ. Do đó, bên thứ ba chính là Pháp luật đã ban hành những điều khoản giá trị để điều chỉnh khái niệm này.
Theo Điều 1 Công ước số 95 ban hành năm 1949, Tổ chức Lao động quốc tế đã quy định: Tiền lương là thu nhập, sự trả công hay bất kể tên gọi hay cách tính nào có thể biểu hiện bằng tiền mặt, được ấn định thông qua sự thoả thuận giữa hai bên: người lao động và người sử dụng lao động hoặc bằng chính pháp luật các quốc gia. Chúng được người sử dụng lao động trả cho người lao động theo bản hợp đồng lao động đã ký kết.
Cụ thể, theo pháp luật tại Việt Nam, điều 90 tại Bộ Luật Lao động 2019 nêu rằng: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động với mục đích thực hiện công việc. Tiền lương bao gồm mức lương được trả theo công việc hoặc chức danh, các khoản phụ cấp lương và bổ sung khác.
Lưu ý rằng theo pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng hai trường hợp khi phát sinh quan hệ thỏa thuận làm việc giữa các bên:
- Người làm việc có quan hệ lao động
- Người làm việc không có quan hệ lao động
Vì thế, tiền lương chỉ phát sinh khi giữa các bên là quan hệ lao động.
2. Nguyên tắc trả lương được quy định như thế nào?
Pháp luật hiện hành đã quy định rõ về nguyên tắc trả lương được ghi trong điều 94 bộ Luật Lao động năm 2019. Về cơ bản, nguyên tắc này có nội dung như sau:
- Người lao động được nhận lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn theo trách nhiệm, nghĩa vụ của phía bên người sử dụng lao động. Với trường hợp không thể nhận lương trực tiếp thì được phép trả lương cho cá nhân được người lao động uỷ quyền hợp pháp
- Toàn bộ các quyền tự quyết chi tiêu tiền lương của người lao động, bên sử dụng lao động không được phép hạn chế hay can thiệp. Cụ thể, bên trả lương cũng không được phép ép buộc bên nhận lương phải chi tiêu vào mua dịch vụ, hàng hoá theo chỉ định tại bất kể đơn vị cung cấp nào
Trên thực tế, ngoài những tiền lương được trả theo thỏa thuận thời gian trong năm còn tồn tại một khái niệm “Lương tháng thứ 13”. Trên thực tế, khoản tiền này được xem là khoản tiền thưởng, khoản phúc lợi vào các dịp cuối năm theo chính sách và thoả thuận trong hợp đồng lao động của từng đơn vị kinh doanh. Điều này chứng tỏ lương tháng thứ 13 không được pháp luật xếp vào mục tiền lương mà nằm trong mục quy định về tiền thưởng tại khoản 1, điều 104, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành.
Khoản tiền này được tính theo cách sau:
- Nếu nhân viên đi làm đủ 12 tháng tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 (lịch dương) thì lương tháng 13 = Tổng lương trung bình trong tháng không kể khoản trợ cấp đi lại
- Nếu nhân viên làm việc không đủ 12 tháng theo lịch dương đến hết ngày 31/12 thì tháng lương thứ 13 = (Tổng tiền lương trung bình trong tháng + Các khoản phụ cấp/trợ cấp nếu có)/12 tháng * số tháng nhân viên làm việc thực tế trong năm
3. Kỳ hạn trả lương được quy định như thế nào?
3.1. Đối với kỳ hạn trả lương
Pháp luật Việt Nam quy định thời hạn trả lương như sau:
- Lương được trả sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được gộp lại trả không quá 15 ngày nếu hai bên thoả thuận cách hưởng lương theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần
- Lương được trả định kỳ nửa tháng hoặc theo tháng theo thời điểm ấn định có chu kỳ đã thoả thuận nếu hưởng lương theo tháng
- Lương được trả theo thỏa thuận của hai bên nếu hưởng lương theo sản phẩm hay theo khoán. Tuy nhiên nếu công việc diễn ra trong nhiều tháng thì phải có khoản tạm ứng theo giá trị khối lượng công việc thực tế đã làm hằng tháng
- Lương tuyệt đối không chậm quá 30 ngày nếu vướng mặt lý do bất khả kháng, đã tìm mọi biện pháp khắc phục mà người sử dụng lao động vẫn không thể trả lương đúng hạn. Trường hợp trả lương chậm quá hạn 15 ngày thì người lao động được hưởng một khoản đền bù từ bên trả lương ít nhất bằng số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng theo chính sách tại ngân hàng người sử dụng lao động đã mở tài khoản cho người lao động
3.2. Đối với kỳ hạn trả lương hưu
Khi tham gia đóng bảo hiểm, đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được hưởng một khoản tiền lương hưu (Chế độ hưu trí) theo quy định pháp luật.
Khoản tiền này được trả vào một ngày cố định hàng tháng tuỳ theo khu vực nơi bạn sinh sống. Đặc thù có nơi, lương hưu hai tháng được gộp vào trả trong 1 lần.
4. Các hình thức trả lương tiêu chuẩn
Trên thực tế, Việt Nam đang áp dụng bốn hình thức trả lương sau:
- Trả lương theo thời gian tức là tiền lương được tính căn cứ theo số giờ lao động mà người lao động đã làm việc thực tế và thường được cố định nếu người lao động không xin nghỉ không lương
- Trả lương theo sản phẩm tức là tiền lương được tính căn cứ trên hiệu suất làm việc, chất lượng thành phẩm và số lượng thành phẩm đã làm ra
- Trả lương theo khoán tức là lương chỉ được trả khi khối lượng công việc đã giao được hoàn thành đúng chất lượng. Tiền lương có thể được tính theo thời gian trên đơn vị thành phẩm hoặc doanh thu, thậm chí là lãi gộp theo tháng
- Trả lương theo doanh thu tức là tiền lương nhận được sẽ căn cứ vào mục tiêu doanh số và các chính sách lương, thưởng doanh số của từng đơn vị công ty