#HRmust-know: 4 Thách Thức Của Doanh Nghiệp Trong Quá Trình Đào Tạo Sản Xuất
18/01/2022
Cùng với việc đầu tư công nghệ tiên tiến, yếu tố con người được xem là xương sống giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và việc xây dựng một chương trình đào tạo sản xuất có chiến lược và được chuẩn bị kỹ lưỡng là điều tất yếu để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ khái niệm và những khó khăn có thể gặp phải khi tiến hành chương trình đào tạo sản xuất.
Đào tạo sản xuất được xem là một trong những chiến lược nhằm cung cấp cho lực lượng lao động các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu việc làm của doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo sản xuất được xây dựng với mục đích giúp nhân viên cập nhật kiến thức và công nghệ mới, từ đó nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn lao động trong môi trường làm việc.
Những thách thức chính trong đào tạo sản xuất
Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số trở ngại mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi xây dựng chương trình đào tạo sản xuất:
1. Sự thiếu hụt lao động lành nghề
Ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, tuy nhiên, nguồn nhân lực dành cho các vị trí này vẫn còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bối cảnh sản xuất toàn cầu. Cụ thể, các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI), Robotics hay Internet vạn vật (IoT) đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ cho thị trường việc làm và một trong số đó là sự cách biệt về trình độ giữa người lao động.
Các công nghệ mới lần lượt được ra mắt đòi hỏi người lao động phải thường xuyên cập nhật các bộ kỹ năng cụ thể. Ví dụ, các kỹ thuật viên không chỉ cần có khả năng làm việc với máy móc mà có thể cần phải biết tương tác với rô-bốt hay khắc phục sự các cố điện tử phức tạp, v.v. Những nhân viên được đào tạo chéo với các kỹ năng bổ trợ nhau được xem là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này. Tuy nhiên, số lượng nhân viên có tay nghề cao vẫn còn thấp so với nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, việc tuyển mới và nâng cấp đội ngũ hiện tại là yêu cầu cấp thiết đối với hầu hết doanh nghiệp trong thị trường lao động đầy cạnh tranh như hiện tại. Điều này cũng đồng thời đặt ra áp lực cho doanh nghiệp trong việc làm thế nào để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp nhằm trang bị hiệu quả những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nhân viên trong thời gian ngắn nhất.
2. Chi phí đào tạo cao
Chi phí đào tạo sản xuất cho doanh nghiệp thường rất cao bởi việc đào tạo sẽ yêu cầu các kỹ năng chuyên biệt, không thể giảng dạy trực tuyến hoặc tự học mà cần sự tham gia của đội ngũ chuyên viên có năng lực để đào tạo toàn bộ quy trình cần thiết và đảm bảo an toàn trong môi trường làm việc.
Bên cạnh chi phí cho giảng viên hướng dẫn đào tạo, việc đưa người lao động từ các địa điểm khác nhau tập trung đến nơi đào tạo sẽ rất tốn kém. Nhìn chung, có rất nhiều chi phí mà doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi tiến hành đào tạo, đó là địa điểm, chi phí đào tạo, chỗ ở cho nhân viên, v.v.
3. Giảm năng suất
Không chỉ ảnh hưởng đến tài chính, việc đào tạo cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc của doanh nghiệp. Quá trình đào tạo sản xuất tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo tất cả nhân viên đều được hướng dẫn một cách nhất quán. Hoạt động này cũng đồng thời gây bất lợi cho doanh nghiệp khi nhân viên dành hàng giờ cho các buổi đào tạo dẫn đến năng suất làm việc bị giảm sút.
4. Giữ chân nhân tài
So với việc tuyển dụng nhân sự mới cho doanh nghiệp, quá trình giữ chân nhân tài cũng quan trọng không kém. Việc giữ những nhân viên lành nghề ở lại là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian cũng như chi phí đào tạo, đồng thời hạn chế được tình trạng giảm năng suất làm việc khi tham gia đào tạo.
Khi có kế hoạch tuyển dụng, doanh nghiệp cần đảm bảo trao đổi kỹ lưỡng với ứng viên về mô tả công việc, kỳ vọng đối với vị trí và giới thiệu về văn hóa làm việc của công ty trong quá trình tuyển dụng. Đồng thời, đừng quên đề xuất một lộ trình phát triển rõ ràng cho nhân viên. Việc cung cấp một lộ trình chi tiết thông qua các chương trình đào tạo là chìa khóa đảm bảo cho sự phát triển của nhân viên trong tương lai. Từ đó, xây dựng lòng trung thành và gia tăng sự hài lòng của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Hoạt động đào tạo sản xuất không chỉ tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho nhân viên mà còn góp phần mang đến thành công cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc phát triển hay thiết kế lại một chương trình đào tạo sản xuất cũng mang đến rất nhiều thách thức.
Để xây dựng một kế hoạch đào tạo sản xuất chi tiết nhất cho doanh nghiệp của bạn, hãy liên hệ ngay với đội ngũ chuyên gia đầy kinh nghiệm của Talentnet. Là đơn vị tư vấn nguồn nhân lực hàng đầu tại Việt Nam, Talentnet đảm bảo cung cấp các dịch vụ nhân sự có tính chuyên biệt hóa đối với từng loại hình doanh nghiệp, bao gồm xây dựng chương trình đào tạo sản xuất phù hợp và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong tương lai.