#HRmust-know: Xây Dựng Văn Hoá Học Hỏi: Cách Để Doanh Nghiệp Tồn Tại Hậu Covid-19
04/11/2021
Ngày nay, xây dựng văn hóa học hỏi (learning organization) là một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp . Văn hóa học hỏi mang đến cho đội ngũ nhân viên cơ hội trau dồi không ngừng cũng như phát triển chuyên môn. Cụ thể hơn, trong môi trường đề cao tinh thần học tập, mọi người được khuyến khích phát triển ý tưởng mới, được truyền cảm hứng và cùng nhau học hỏi để đạt được mục tiêu chung. Vậy doanh nghiệp với văn hóa học hỏi sẽ có những đặc điểm như thế nào?
Năm đặc điểm của doanh nghiệp có văn hóa học hỏi
Bắt kịp xu thế: Khi doanh nghiệp phát triển đến một mức độ nhất định, khối lượng và tính chất công việc mới khiến cách quản lý cũ không còn phù hợp nữa. Đồng thời, trong bối cảnh thị trường thay đổi không ngừng, doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các mô hình quản lý và vận hành khác nhau. Ví dụ, xã hội kỹ thuật số hoá ngày nay khiến doanh nghiệp phải học cách ứng dụng công nghệ vào trong mọi quy trình công việc. Do vậy, đội nhóm phụ trách marketing có thể sẽ cần học thêm kỹ năng lập trình cơ bản (basic coding) để thích nghi với chiến lược mới trong bối cảnh số hóa. Để duy trì vị thế cũng như tính cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển, phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện tại.
Liên tục học hỏi: Quá trình học tập không chỉ diễn ra trong lớp học hay sau giờ làm việc mà mọi nhân viên đều có thể học từ chính thực tiễn công việc. Thông qua các ứng dụng công nghệ và công cụ hỗ trợ, việc học tập trở nên dễ dàng và xuyên suốt hơn, giúp nhân viên có thể nhanh chóng áp dụng kỹ năng mới vào trong công việc để trao đổi kiến thức và trình bày quan điểm cá nhân.
Chia sẻ thông tin: Văn hóa học hỏi cần thấm nhuần vào từng ngóc ngách trong doanh nghiệp. Mỗi nhân viên là một nguồn tri thức vô cùng phong phú, đa dạng và họ sẵn sàng chia sẻ điều đó. Lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định phương pháp phù hợp để khuyến khích tinh thần học hỏi mỗi ngày của nhân viên (căn tin hoặc bếp ăn là địa điểm lý tưởng nhân viên có thể chia sẻ kiến thức cùng nhau), cũng như đưa ra những chương trình đào tạo/ huấn luyện chính quy để nâng cao trình độ cho họ.
Kinh nghiệm thực tiễn: Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy hay những bài giảng từ các trung tâm đào tạo không phải là nguồn duy nhất giúp nhân viên học tập hiệu quả. Có những bài học đến từ trải nghiệm trong cuộc sống. Do vậy doanh nghiệp có văn hóa học hỏi thường khuyến khích nhân viên dấn thân nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày; tham gia vào những dự án lớn, các hoạt động ngoài lề mà vẫn có thể thúc đẩy tinh thần học tập và phát triển.
Tập trung vào dữ liệu: Việc tận dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp có thể thường xuyên kiểm tra kết quả, đánh giá mức độ phù hợp của các phương pháp và thu hút đối tượng tham gia. Dữ liệu cũng là công cụ cho phép doanh nghiệp xây dựng cơ chế học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thay đổi liên tục. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ là một khía cạnh trong vô vàn những nội dung liên quan đến chất lượng học tập, vì vậy, doanh nghiệp không nên quá lệ thuộc vào dữ liệu để đánh giá hiệu quả của các cơ hội học tập.
Văn hóa học hỏi có thể giúp doanh nghiệp nhận biết những mô hình kinh doanh lỗi thời, kém hiệu quả đồng thời khích lệ tinh thần hợp tác, cùng hướng đến mục tiêu chung của toàn thể nhân viên. Hơn nữa, một doanh nghiệp có văn hóa học hỏi sẽ phát huy tối đa tiềm năng của lực lượng lao động, đem lại nhiều giá trị và lợi ích cho nhân viên, khiến họ cảm thấy hạnh phúc, làm việc năng suất và muốn gắn bó dài lâu với tổ chức hơn.
Có thể thấy rằng, đầu tư xây dựng văn hóa học hỏi là điều mà doanh nghiệp không nên bỏ qua. Được biết đến như một đơn vị tư vấn hàng đầu về nhân sự tại Việt Nam, Talentnet sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua chiến lược phát huy tài năng của nhân viên và đưa ra các tư vấn dựa trên cơ sở dữ liệu. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết.