Cập nhật Quy định về Lao động Tháng 5 năm 2023
30/05/2023
Mọi thông tin trong văn bản này chỉ mang tính chất tham khảo, mang tính hướng dẫn chung và không phải là tư vấn chuyên môn cho từng trường hợp cụ thể.
I. Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đầu tiên tại Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023 (sau đây gọi tắt là “Nghị định 13”). Theo đó, Nghị định 13 có một số điểm quan trọng mà Quý khách hàng cần lưu ý tuân thủ như sau:
-
Phạm vi áp dụng
Nghị định 13 áp dụng đối với (i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam (hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài); (ii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
-
Nghị định 13 quy định một số khái niệm cụ thể liên quan đến xử lý dữ liệu:
-
Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
-
Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.
-
-
Quyền của chủ thể dữ liệu
Nghị định 13 qui định chủ thể dữ liệu có các quyền (i) được biết; (ii) đồng ý; (iii) truy cập; (iv) rút lại sự đồng ý; (v) xóa dữ liệu; (vi) hạn chế xử lý dữ liệu; (vii) cung cấp dữ liệu; (viii) phản đối xử lý dữ liệu; (ix) khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; (x) yêu cầu bồi thường thiệt hại; (xi) tự bảo vệ.
-
Đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân
Trừ trường hợp luật có quy định khác, tất cả các hoạt động trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân đều cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân. Theo đó, Nghị định 13 đã quy định các nội dung mà chủ thể dữ liệu cần được biết và hình thức thể hiện sự đồng ý như sau:
-
Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu chỉ có hiệu lực khi chủ thể dữ liệu tự nguyện và biết rõ các nội dung sau: (i) Loại dữ liệu cá nhân được xử lý; (ii) Mục đích xử lý dữ liệu cá nhân; (iii) Tổ chức, cá nhân được xử lý dữ liệu cá nhân; (iv) Dữ liệu cần xử lý là dữ liệu cá nhân nhạy cảm (nếu có); và (v) Các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.
- Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này.
-
Lưu ý sự đồng ý này phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được. Đặc biệt, sự im lặng hoặc không phản hồi của chủ thể dữ liệu không được coi là sự đồng ý.
- Các trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân như:
Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật; để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan theo quy định của luật… -
Thông báo về việc xử lý dữ liệu cá nhân:
-
Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo cho chủ thể dữ liệu về việc xử lý dữ liệu cá nhân trước khi tiến hành đối với hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Việc thông báo được thực hiện một lần và bao gồm các nội dung sau: (i) Mục đích xử lý; (ii) Loại dữ liệu cá nhân được sử dụng có liên quan tới mục đích xử lý; (iii) Cách thức xử lý; (iv) Thông tin về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới mục đích xử lý; (v) Hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra; và (vi) Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xử lý dữ liệu.
-
Việc thông báo cho chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.
-
Việc thông báo không cần phải thực hiện trong trường hợp sau: Chủ thể dữ liệu đã biết rõ và đồng ý toàn bộ với nội dung từ điểm i – vi Mục 5(a) này trước khi đồng ý cho Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân tiến hành thu thập dữ liệu cá nhân.
-
-
Cung cấp dữ liệu cá nhân cho cá nhân, tổ chức khác
Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân được cung cấp dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu cho tổ chức, cá nhân khác khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
-
Thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân:
- Trường hợp phát hiện xảy ra vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hành vi vi phạm theo Mẫu.
- Bên Xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo cho Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân một cách nhanh nhất có thể sau khi nhận thấy có sự vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải lập Biên bản xác nhận về việc xảy ra hành vi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
-
Đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân:
-
Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân lập và lưu giữ Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân của mình kể từ thời điểm bắt đầu xử lý dữ liệu cá nhân.
- Bên Xử lý dữ liệu cá nhân tiến hành lập và lưu giữ Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp thực hiện hợp đồng với Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân.
-
Lưu ý: Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân phải luôn có sẵn để phục vụ hoạt động kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an và phải được gửi Bộ Công an 01 bản chính theo Mẫu số 04 tại Phụ lục của Nghị định 13 trong thời gian 60 ngày kể từ ngày tiến hành xử lý dữ liệu cá nhân.
-
Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài:
- Dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam được chuyển ra nước ngoài trong trường hợp Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài (i) lập và lưu giữ Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài (sau đây gọi tắt là “Hồ sơ”); (ii) gửi 01 bản chính Hồ sơ tới Bộ Công an trong thời gian 60 ngày kể từ ngày tiến hành xử lý dữ liệu cá nhân; (iii) thông báo gửi Bộ Công an thông tin về việc chuyển dữ liệu và chi tiết liên lạc của tổ chức, cá nhân phụ trách bằng văn bản sau khi việc chuyển dữ liệu diễn ra thành công; và (iv) hoàn thiện Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và đúng quy định theo yêu cầu của Bộ Công an (nếu có).
- Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ Công an quyết định việc kiểm tra chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài 01 lần/năm, trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Nghị định này hoặc để xảy ra sự cố lộ, mất dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam.
- Bộ Công an quyết định yêu cầu Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài ngừng chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài trong trường hợp (i) Khi phát hiện dữ liệu cá nhân được chuyển được sử dụng vào hoạt động vi phạm lợi ích, an ninh quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (ii) Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài không cập nhật, bổ sung Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài khi có sự thay đổi về nội dung hồ sơ đã gửi cho Bộ Công an; (iii) Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài không hoàn thiện Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và đúng quy định theo yêu cầu của Bộ Công an; (iv) Để xảy ra sự cố lộ, mất dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam.
-
Chỉ định cá nhân và bộ phận bảo vệ dữ liệu cá nhân
Doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ định cá nhân và bộ phận bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp (trừ doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân) được quyền lựa chọn miễn trừ quy định về chỉ định cá nhân và bộ phận bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian 02 năm đầu kể từ khi thành lập doanh nghiệp.
II. Dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế và thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế do bộ tài chính ban hành
Với nội dung dự thảo của Thông tư này, Người nộp thuế cần lưu ý:
- Người nộp thuế là các nhân, đại diện hộ gia đình được cấp số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về căn cước công dân vẫn tiếp tục sử dụng mã số thuế đã được cấp cho đến khi cơ quan thuế thông báo về việc người nộp thuế sử dụng số định danh cá nhân là mã số thuế.
- Cơ quan thuế thông báo về việc người nộp thuế sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế đã được cấp khi người nộp thuế thực hiện đăng ký thay đổi thông tin giấy tờ của cá nhân sang số định danh cá nhân theo quy định của Thông tư số 105/2020/TT-BTC, hoặc cơ quan thuế tự động chuyển đổi mã số thuế đã được cấp sang số định danh cá nhân để sử dụng thay cho mã số thếu theo quy định.
- Kể từ thời điểm người nộp thuế nhận được Thông báo cá nhân sử dụng số định danh cá nhân là mã số thuế, người nộp thuế sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế khi thực hiện các thủ tục về thuế, bao gồm các việc bổ sung, điều chỉnh nghĩa vụ thuế phát sinh theo mã số thuế đã được cấp trước đó. Đồng thời, cơ quan thuế theo dõi, quản lý toàn bộ dữ liệu của người nộp thuế, dữ liệu đăng ký giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc bằng số định danh cá nhân.
Vấn đề sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế đã được qui định tại khoản 7, Điều 5 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 như sau: “Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế”.
III. Công văn 1483/TCT-KK ngày 24/04/2023 triển khai thu nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp (ID) do tổng cục thuế ban hành
Ngày 24 tháng 4 năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1483/TCT-KK về việc triển khai nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp (ID). Theo đó, Tổng Cục thuế hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục thuế doanh nghiệp lớn triển khai các nội dung sau:
- Cấp và thông báo mã ID khoản phải nộp cho người nộp thuế.
- Cung cấp thông tin ID khoản phải nộp cho tổ chức phối hợp thu.
- Sử dụng ID khoản phải nộp.
Việc cung cấp ID cho Người nộp thuế (NNT), cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử theo ID khoản phải nộp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng Cục thuế, nâng cấp hệ thống ứng dụng đáp ứng quản lý nghĩa vụ thuế của NNT theo ID kể từ ngày 10/05/2023.
Việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo ID khoản phải nộp qua Kho bạc Nhà nước, Cổng dịch vụ công quốc gia, ngân hàng, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục có hướng dẫn để các đơn vị/tổ chức phối hợp thu hoàn thiện quy trình, ứng dụng đáp ứng nộp theo ID và thông báo cho cơ quan thuế, NNT được biết và sử dụng.
IV. Thông tư 09/2023/TT-BYT ngày 05/05/2023 sửa đổi thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe
Ngày 05/05/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BYT (“Thông tư 09”) sửa đổi một số nội dung của Thông tư 14/2013/TT-BYT về hướng dẫn khám sức khỏe. Theo đó, Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung hai điểm quan trọng sau:
- Ban hành mẫu Sổ khám sức khỏe định kỳ mới.
- Khám sức khỏe định kỳ theo nội dung ghi trong mẫu Sổ khám sức khỏe định kỳ mới.
Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung, sàng lọc ung thư vú, siêu âm tử cung – phần phụ (khi có chỉ định của bác sỹ khám).
V. Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở từ 01/7/2023
Ngày 14 tháng 05 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP (“Nghị định 24”) quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ 01/07/2023 mức lương cơ sở sẽ tăng như sau:
Trước 01/07/2023 (VNĐ) | Từ 01/07/2023 (VNĐ) | Mức tăng (VNĐ) | Phần trăm tăng |
1.490.000 | 1.800.000 | 310.000 | 20,8% |
Việc tăng mức lương cơ sở dẫn đến việc tăng mức đóng một số chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn.
Cụ thể, từ ngày 01/07/2023 mức lương tối đa (mức lương trần) làm căn cứ trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ tăng từ 29.800.000đồng/tháng lên 36.000.000đồng/tháng (tương đương 20 lần mức lương cơ sở). Mức trích nộp 2% kinh phí công đoàn hàng tháng (mức 2% này trích trên quỹ tiền lương làm căn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động) của người sử dụng lao động cũng tăng lên vì quỹ tiền lương làm căn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tăng.
Ngoài ra, việc tăng mức lương cơ sở cũng dẫn đến việc tăng mức hưởng một số chế độ cho người lao động như trợ cấp một lần khi sinh con, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…
Thông tin liên hệ
Để được tư vấn thêm về những cập nhật quy định lao động mới nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ Talentnet tại:
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | HÀ NỘI |
Đoàn Thị Kiều Vân Phó Giám Đốc Tầng 6, Star Building 33 Mạc Đĩnh Chị, Phường Đa Kao, Quận 1 TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam T. (84 28) 6291 4188 – Ext. 311 M. (84) 933 485 965 E. vandtk@talentnetgroup.com | Đỗ Thị Thu Hường Phó Giám Đốc Phòng 5, Tầng 5, Horizon Towers Building 40 Cát Linh, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam T. (+84 24) 3936 7618 – Ext. 119 M. (84) 912577899 E. huongdtt@talentnetgroup.com |