Nhân Sự Muôn Hình Vạn Trạng: Đâu Chỉ Gói Gọn Tuyển Dụng, Tính Lương?
15/08/2022
Đâu chỉ còn gói gọn quanh những công việc hành chính như tuyển dụng, tính lương, HR dần trở nên quan trọng hơn với các chiến lược vận hành, kinh doanh và đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn để trở thành mắt xích kết nối toàn bộ doanh nghiệp trong tương lai.
Gắn bó với ngành HR gần 9 năm, Ngọc Nhi (30 tuổi, TP.HCM) chia sẻ rằng ở những năm đầu, chị yêu nghề và toàn tâm dấn thân theo đuổi ngành nhân sự, với mong muốn được tương tác, kết nối nhiều hơn với con người, đồng thời học hỏi thêm những kỹ năng mới. Tuy nhiên, khi đứng trước ngưỡng cửa 30, chị lúc này lại trăn trở: “Đôi khi tôi suy nghĩ và hoang mang với con đường phía trước của bản thân trong nghề vì không thấy đâu là điểm đột phá, tôi cũng không dám thử thách bản thân ở một ngành nghề khác vì lo lắng sẽ bắt đầu từ con số không…”
Tuy nhiên, theo bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet – đơn vị cung ứng nhân sự hàng đầu Việt Nam, cho biết: “Nhiều người nhầm tưởng nghề HR là một cánh cửa hẹp, chỉ quanh quẩn việc tính lương, tính thuế, đếm ngày nghỉ. Thế nhưng khi vai trò của HR được nâng tầm chiến lược bởi cơn đại dịch và các thay đổi thời cuộc, đòi hỏi sự gắn kết với các bộ phận khác nhằm dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua các thách thức phức tạp về nguồn lực, thì cơ hội phát triển các kĩ năng mới, quan trọng hơn dần được mở ra với người làm nhân sự. Vì thế, HR cần tự định nghĩa lại các mục tiêu của mình, từ đó xác định các rào cản, và cơ hội để bứt phá trong nghề nghiệp của mình”.
Thay vì bắt đầu lại, HR hoàn toàn có thể chọn khám phá các đầu mục công việc mới trong bình thường mới dưới lăng kính của các ngành nghề khác, từ đó hiểu rõ hơn về các vị trí hiện tại, cũng như các thế mạnh mà mỗi HR có thể phát triển để “nâng cấp” con đường phát triển sự nghiệp của bản thân lên một bậc.
1. HR “ghiền” Marketing: Làm chủ thương hiệu tuyển dụng
Nếu như phòng Marketing chuyên xây dựng thương hiệu, truyền thông các thông điệp, giá trị của doanh nghiệp và sản phẩm đến với khách hàng, các nhà đầu tư, và truyền thông đại chúng, thì trong câu chuyện thương hiệu tuyển dụng, HR đang là bộ mặt để thực hiện các hoạt động xây dựng, truyền tải hình ảnh văn hóa doanh nghiệp đến với nhóm nhân viên, ứng viên, từ đó kết nối người lao động nói chung với doanh nghiệp. Không còn gói gọn trong những giấy tờ, chính sách khô khan, xây dựng thương hiệu tuyển dụng bắt nguồn việc HR phải xác định rõ được hành trình trải nghiệm của nhân viên, từ đó, xác định các điểm chạm (touch-points) với những thông điệp khác nhau, những phúc lợi đặc trưng cho từng giai đoạn nhằm gắn kết nhân viên trên toàn bộ hành trình trước, trong khi làm việc, và sau khi rời khỏi doanh nghiệp. Hơn nữa, phòng HR cũng phải “vắt óc” sáng tạo như những người bạn phía Marketing khi thường xuyên phải đề ra các chiến lược mới, những sáng kiến mới nhằm nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường lao động, tăng cường lợi thế cạnh tranh, giữ chân nhân viên và giảm chi phí tuyển dụng. Đơn cử như Apple khi họ bất ngờ thông báo phần thưởng cổ phiếu có mệnh giá từ 50.000 – 180.000 USD cho các nhân viên có kết quả tốt – một phần thưởng vô tiền khoán hậu – để giữ chân các nhân tài, và chống lại sự lôi kéo từ các doanh nghiệp đối trọng ở Sillicon Valley. Những chiến dịch mới lạ, và bất ngờ này đã là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng tiếng vang cho doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực để đáp ứng kì vọng cho người lao động.
2. Đặt nền móng cho cấu trúc nhân sự như một kiến trúc sư
Trong bối cảnh thế giới mới, khi các giá trị được thay đổi liên tục, tổ chức dần bước khỏi hình ảnh kiên cố, cố định như thường thấy mà yêu cầu được thiết kế, xây dựng để vừa tồn tại, vừa phải chuyển đổi và phát triển bền vững. Đây trở thành một trong những đề bài khó khăn, gian nan nhất và yêu cầu khiến nhân sự phải bộc lộ tài năng thiết kế tổ chức, tìm kiếm hình bóng của những kiến trúc sư ẩn sau người làm nhân sự. Từ tái cơ cấu tổ chức, đến định nghĩa lại các quy trình nhân sự đây là những bước “nền móng” mang đầy dấu ấn thiết kế đến từ các “kiến trúc sư” nguồn nhân lực – những người có cái nhìn rõ ràng nhất về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp, và các nhu cầu phát triển – và từ đó, xây dựng các nền tảng doanh nghiệp vững chắc, gọn gàng và tối ưu nhất. Ngoài ra, sau nền móng, các HR còn phải xây phần thân, tức một cấu trúc công việc rõ ràng, mạch lạc nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của công ty. Trong cấu trúc đó, nhân viên biết rõ các chức vụ và trách nhiệm hiện tại, cũng như nhìn nhận được con đường phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Hơn nữa, một cấu trúc công việc rõ ràng còn mở đường cho các chương trình nâng cao kĩ năng (upskilling) hoặc học kĩ năng mới (reskilling) để nâng cao chất lượng nhân viên, cải thiện năng suất và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn cả. Bởi vậy, không ngoa khi nói những người làm nhân sự có óc quan sát, thiết kế và tầm nhìn xa trông rộng như một kiến trúc sư thực thụ.
3. Khéo ăn nói, linh hoạt gánh KPI như chuyên viên sales
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của HR là thu hút, lựa chọn và giới thiệu các ứng viên phù hợp cho tổ chức. Là người giám sát việc phát triển cũng như duy trì văn hóa của doanh nghiệp, HR hiểu rõ những ứng viên nào phù hợp nhất với công ty, đồng thời tự xây dựng được “nguồn” nhân sự phù hợp để bổ khuyết vào các vị trí khi cần.
Với các HR làm nhiệm vụ tuyển dụng, việc thấu hiểu mong muốn tổ chức lẫn ứng viên, kết hợp cùng khả năng giao tiếp là điều kiện cần thiết để phát triển lâu dài. Cũng giống việc thu hút khách hàng mục tiêu, HR cần nắm rõ nhu cầu ứng viên để tăng khả năng hấp dẫn họ, ví dụ như phúc lợi cạnh tranh hấp dẫn, môi trường làm việc thân thiện hay tiềm năng phát triển trong ngành… Mỗi một ứng viên được HR tìm về sẽ là một nhân tài giúp doanh nghiệp tiến tới các mục tiêu kinh doanh trong trung và dài hạn. Từ đó có thể thấy, khi chuyên viên sales bán hàng bằng cả trái tim thì HR cũng phải dùng cả tâm huyết để giao tiếp thật tốt, mềm dẻo, năng động như ai để ra sức mang về cho công ty những ứng viên “xịn xò”.