THE MAKEOVER 2024 - Ngày 2: Tóm Tắt Báo Cáo Khảo Sát Lương Talentnet 2024
18/10/2024
Ngày 16/10/2024 vừa qua, trong khuôn khổ ngày 2 sự kiện The Makeover 2024, Talentnet đã công bố Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi –tại Việt Nam năm 2024.
Các diễn giả trong ngày 2 – The Makeover bao gồm:
- Bà Godelieve van Dooren – Giám đốc điều hành khu vực Nam Á, Mercer Marsh McLennan
- Ông Kunal Malhotra – Giám đốc quốc gia (Việt Nam và Hàn Quốc), LinkedIn
- Ông Puneet Swani – Nguyên Giám đốc cấp cao, Mercer
- Bà Nguyễn Tâm Thanh – Giám đốc Nhân sự Tập đoàn, Tập đoàn Masan
- Ông Andree Mangels – Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc phát triển – Việt Nam & Quốc tế, Talentnet Group
- Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc bộ phận Tư vấn nhân sự, Talentnet Group
“Báo cáo lương thưởng phúc lợi 2024 tại Việt Nam” có sự tham gia của 594 doanh nghiệp nước ngoài và 59 doanh nghiệp trong nước, 3481 vị trí từ hơn 551.380 người lao động trên khắp Việt Nam. Khảo sát đánh dấu 5 năm liên tiếp báo cáo tăng trưởng về số doanh nghiệp tham gia, chứng tỏ sự quan tâm đầu tư ngày càng gia tăng của doanh nghiệp đối với chiến lược nguồn nhân sự.
I. Gen Z – Lực lượng lao động sắp trở thành nòng cốt trên thị trường
Báo cáo bắt đầu với những thông tin tổng quan về thị trường lao động. Theo đó, sau 1 năm nữa, Gen Z sẽ chiếm 28,4% lực lượng lao động. 5 năm nữa, thế hệ này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của thị trường lao động. 10 năm nữa họ sẽ là lực lượng quản lý mới. 15 năm nữa họ sẽ trở thành quản lý cấp cao.
Với dữ kiện trên, doanh nghiệp cần lên kế hoạch đào tạo, phát triển để Gen Z đón đầu, sẵn sàng nắm giữ những vị trí quan trọng trong tổ chức trong giai đoạn tới.
II. Tỉ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm – Thị trường không ổn định, người lao động chọn yên bình?
Tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện trong doanh nghiệp Việt nửa đầu năm 2024 là 9,6%. Khi nền kinh tế đi xuống, người lao động có tâm lý ổn định công việc. Tại các công ty đa quốc gia, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện nửa đầu năm 2024 là 6,5%.
III. Xu hướng tăng lương theo nhóm ngành
Theo đó, Top 3 ngành được tăng lương nhiều nhất 2024 lần lượt thuộc về Năng lượng tái tạo (7.2%), Hóa chất (7.0%) và Cung ứng (7.0%), có sự thay đổi đáng kể khi Công nghệ cao không còn nằm trong nhóm ngành được tăng lương cao nhất. Top 3 ngành có mức tăng lương thấp nhất lần lượt thuộc về Dầu khí – Khai thác mỏ, Dịch vụ tài chính – phi ngân hàng, Dịch vụ tài chính – ngân hàng.
IV. Thăng chức nội bộ có giúp tối ưu ngân sách?
Một quan điểm dễ dàng bắt gặp đó là thăng chức cho nhân viên nội bộ sẽ tối ưu ngân sách hơn. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tuyển mới ở các vị trí cấp thấp (công nhân, nhân viên) lại tiết kiệm tiền lương hơn. Do đó, doanh nghiệp cần thấu hiểu để biết nên giữ chân nhân tài cho các vị trí nào. Đồng thời, cũng cần cân nhắc các chi phí khác như đào tạo, thời gian để nắm bắt công việc và hòa nhập văn hóa công ty.
Ngoài ra, báo cáo lương, thưởng, phúc lợi năm 2024 của Talentnet – Mercer còn mang đến nhiều số liệu như dự đoán nhu cầu tuyển dụng thời gian tới, mức lương và xu hướng tuyển dụng các vị trí cần kiến thức về AI… với số liệu đáng tin cậy. Qua đó giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng các chính sách liên quan đến chế độ lương, thưởng, phúc lợi thức thời và phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
V. Tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt giảm
Tỉ lệ tăng lương của các doanh nghiệp trong nước giảm từ 6,7% năm 2023 xuống còn 6,3% năm 2024. Trong khi đó, với doanh nghiệp đa quốc gia, tỷ lệ tăng lương cũng giảm từ 6,7% năm 2023 xuống còn 6,5% năm 2024. Trong năm 2025, tỷ lệ này được dự đoán tăng nhẹ ở cả 2 nhóm doanh nghiệp.
Bà Quỳnh Phương – Giám đốc bộ phận Tư vấn nhân sự, Talentnet cho biết: “Dù tỷ lệ tăng lương giảm, nhưng nếu nhìn vào những thông số như mức trả lương trên toàn quốc đều giảm, việc tỷ lệ tăng lương chỉ giảm nhẹ cho thấy các doanh nghiệp vẫn rất nỗ lực đồng hành cùng người lao động trong giai đoạn kinh tế khó khăn”.
Tiêu điểm The Makeover 2024 – Ngày 2
Bên cạnh đó, sự kiện còn mang đến 2 phần chia sẻ quan trọng khác bao gồm:
Xu hướng đãi ngộ ở Châu Á – Thái Bình Dương: Hướng tới tương lai xanh
Phần chia sẻ về “Xu hướng đãi ngộ ở Châu Á – Thái Bình Dương: Hướng tới tương lai xanh” được dẫn dắt bởi bà Godelieve van Dooren – Giám đốc điều hành Marsh McLennan Đông Nam Á. Bà Godelieve van Dooren chia sẻ “bền vững” đang là từ khóa tác động đến mọi phương diện vận hành của doanh nghiệp:
- 43% nhân viên cực kỳ lo ngại về các sự kiện khí hậu bất lợi
- 41% doanh nghiệp có chính sách rõ ràng để giảm phát thải carbon và giảm tác động tiêu cực dẫn đến biến đổi khí hậu
- 40% thế hệ Millennials chọn đầu quân cho các nhà tuyển dụng có theo đuổi nỗ lực bền vững. 10% cho biết họ sẵn sàng chấp nhận giảm lương.
- Một nghiên cứu về S&P 500 cho thấy các công ty đa dạng nhất có kết quả hoạt động tốt hơn và cổ phiếu của họ có xu hướng vượt trội hơn so với các công ty kém đa dạng hơn.
Cũng theo bà, chính sách phúc lợi xanh nên đảm bảo 3 yếu tố:
- Phúc lợi xanh cho doanh nghiệp: xây dựng chế độ lương thưởng rõ ràng, thiết thực và có những mục tiêu chi trả rõ ràng.
- Phúc lợi xanh cho người lao động: cung cấp những sự hỗ trợ để người lao động duy trì sự gắn bó bền bỉ với công việc như “Upskilling”, “Reskilling”, tăng lương, cung cấp sự nghiệp linh hoạt, phát triển kế hoạch hưu trí.
- Phúc lợi cho xã hội: những phúc lợi tạo nên tác động tích cực đến xã hội, thúc đẩy tiêu chuẩn trả lương công bằng và đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho người lao động.
Xây dựng chiến lược nhân tài xuyên biên giới ở châu Á
Một cuộc “kéo co” nhân tài đang diễn ra khi người lao động vật lộn để tìm việc, còn doanh nghiệp thì “đau đầu” lấp đầy các vị trí quan trọng. Chìa khóa chiến thắng trò chơi này nằm ở chiến lược lương thưởng. Buổi tọa đàm với sự tham gia của ông Kunal Malhotra, bà Nguyễn Tâm Thanh, ông Andree Mangels và ông Puneet Swani đã giúp người tham dự tổng hợp những yếu tố không-thể-thiếu trong chính sách đãi ngộ xuyên biên giới cũng như tỉ trọng phân bổ chính sách lương, thưởng, phúc lợi cho nhân tài toàn cầu.
Ông Andree Mangels nhận định: “Trong ngày đầu tiên, chúng ta đã thảo luận về việc sự ra đời của AI có thể tạo ra đến 97 triệu công việc trong năm 2025. Công việc mới, kỹ năng mới, đó chính là những điều mà doanh nghiệp hiện nay sẽ tìm kiếm để nắm bắt cơ hội tăng trưởng bền vững trước một tương lai rất khó đoán định”. Theo ông, đó cũng sẽ là lý do để việc tìm kiếm nhân tài đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong những năm tới.
Để xem lại những nội dung nổi bật và tải tài liệu ngày 1, vui lòng bấm vào ĐÂY.