Lý Do Khiến Doanh Nghiệp Việt Sẵn Sàng Đổi Mới, Nhưng Chưa Thể Thực Hiện
23/11/2023
Theo số liệu công bố tại hội thảo The Makeover, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đủ tiềm lực nhưng chưa thể bắt đầu đổi mới, vì chưa dám bước khỏi vùng an toàn và chưa thể giải quyết các tồn đọng.
Theo báo cáo gần nhất của Tập đoàn Tư vấn Boston, 79% doanh nghiệp đặt đổi mới, sáng tạo là ưu tiên hàng đầu. Nhưng, thống kê từ Potential Lab cho biết chỉ khoảng 30% doanh nghiệp gặt hái thành công.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet – đơn vị tổ chức hội thảo The Makeover – để vững bước trên hành trình đổi mới, doanh nghiệp cần nghĩ đến những điều mới, là dám bước ra vùng an toàn, dám từ bỏ những thói quen cũ để đổi mới và dám kiến tạo, mở rộng tầm nhìn để tạo ra giá trị cho con người và xã hội.
Tuy nhiên, song hành với suy nghĩ, định hướng tiếp cận mới, doanh nghiệp cũng cần quan tâm giải quyết những điều tồn đọng.
Dám phát triển, nhưng cần lo về sự bền vững
Số liệu công bố tại hội thảo cho biết 40% doanh nghiệp đang muốn đầu tư nhiều hơn cho đổi mới. Nhưng, đồng hành cùng những đổi mới đó, doanh nghiệp cũng phải đặt sự phát triển bền vững lên hàng đầu để xây dựng chiến lược đổi mới hiệu quả.
Ông Andrea Campagnoli – đại diện Công ty Bain & Company Inc – đã chỉ ra rằng đổi mới sáng tạo không nên đơn thuần xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, tài chính. Cách tiếp cận này có thể khiến doanh nghiệp không nhận được sự ủng hộ từ đối tác, nhân viên, thậm chí làm suy giảm động lực để đổi mới.
Theo các chuyên gia tại diễn đàn, đổi mới không phải là một cuộc đua để thúc đẩy sự tăng trưởng về lợi nhuận, mà là sự tập trung vào nguồn lực chất lượng để phát triển bền vững.
Dám nghĩ lớn, nhưng cần lo từ những điều nhỏ bé
Không nhất thiết phải bắt đầu từ những ý tưởng lớn lao bởi dù lớn hay nhỏ, “nếu ý tưởng của bạn có thể giải quyết vấn đề của một tổ chức hay xã hội thì bạn có thể trở thành người thay đổi thế giới”, ông Andreas Ekström, diễn giả TED Talk, chia sẻ tại The Makeover.
Bà Liên cho hay chính AIA đang phát triển ứng dụng phát triển nguồn lực cho chính nhân sự trong đội ngũ khi có đến 75% nhân sự đang sử dụng mỗi ngày và tạo nên những giá trị tuy nhỏ nhưng đóng góp rất lớn cho sự phát triển sản phẩm.
Udemy cũng đang áp dụng 3 phương pháp kích hoạt DNA sáng tạo trong mỗi nhân viên tại doanh nghiệp. Theo ông Alan Malcolm – Giám đốc Hợp tác chiến lược của Udemy – các phương pháp này gồm cho phép người lao động tham gia các dự án mà họ có đam mê, tạo môi trường an toàn nơi bất cứ ai cũng có quyền được chia sẻ, đóng góp ý kiến và tạo môi trường học hỏi, tương tác nhiều hơn trong đội ngũ nhân sự.
Dám nghĩ khác đi, nhưng đừng quên nghĩ rộng ra
Trên thực tế, việc nảy ra một ý tưởng hoàn toàn mới và áp dụng thành công trong vận hành doanh nghiệp ngay lập tức là điều khó có thể xảy ra. Thay vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn cách hoàn thiện các lỗ hổng từ những ý tưởng cũ, hay tiếp cận chúng dưới những góc độ khác để gia tăng tỷ lệ đổi mới cho tổ chức.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Sơn Đỗ Lệnh, TS Công nghệ của Harvard Research, chia sẻ: “Trong từ khóa ‘Innovation’, chúng ta nên chú ý đến ‘N’ – từ chỉ số nhiều. Và chúng ta có thể tiếp cận đổi mới thông qua ‘N’ ý tưởng, ‘N’ thử nghiệm và ‘N’ khía cạnh”.
“Hành trình đổi mới là một hành trình nỗ lực, cạnh tranh với quỹ thời gian có giới hạn và nguy cơ thất bại không hề thấp nhưng nếu vượt qua các rào cản, đặt mối quan tâm đúng chỗ, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội để vươn lên”, bà Tiêu Yến Trinh nói.