Tái Đào Tạo Nhân Sự, Doanh Nghiệp Rút Ngắn Cách Biệt Năng Lực Trong Nội Bộ
30/07/2021
Doanh nghiệp càng thúc đẩy đa dạng hóa đội ngũ nhân sự, mối lo ngại về cách biệt trình độ càng trở nên rõ nét. Trong đó, tái đào tạo kỹ năng (re-skilling) là một trong những giải pháp giúp nhà quản lý gỡ rối bài toán kép đa dạng và hoà nhập.
Nhận diện thách thức mới của doanh nghiệp
Khảo sát năm 2018 của McKinsey từng tiết lộ, 62% CEO sẽ phải tái đào tạo hoặc thay thế hơn 1/4 nhân sự trước 2023. Song không thể đợi thêm 3 năm nữa, McKinsey gần đây ra nghiên cứu mới khẳng định các công ty nên bắt đầu đào tạo lại nhân sự ngay từ bây giờ để vươn lên mạnh mẽ hơn sau Covid-19.
16 tháng đại dịch đã làm gián đoạn các mô hình kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi chiến lược liên tục, nhân viên buộc phải bổ sung thêm nhiều kỹ năng mới để thích ứng với biến động. Chẳng hạn, một công ty dược có 10.000 đại diện bán hàng, trước đây họ thạo làm việc offline, thì nay mỗi người phải am hiểu cả cách thức làm việc – bán hàng – tiếp thị – chăm sóc khách hàng online.
Song thực tế, không phải toàn bộ nhân viên đều theo kịp bước đổi mới này, nội bộ cách biệt trình độ là thách thức không nhỏ. Theo khảo sát toàn cầu của McKinsey, 9 trên 10 CEO cho hay, họ đang phải đối mặt với vấn đề chênh lệch kỹ năng khi thúc đẩy sự đa dạng hóa trong đội ngũ nhân sự. Quan trọng hơn, chỉ có 41% CEO hiểu rõ cách giải quyết vấn đề, 59% còn lại vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.
Để rút ngắn khoảng cách năng lực trong nội bộ, 56% CEO cho biết sẽ chọn chiến thuật đào tạo lại nhân lực để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ sẵn có.
Cơ hội từ chiến lược tái đào tạo nhân sự
Trong khi làn sóng sa thải nhân sự gây lãng phí về thời gian, tiền bạc để tuyển dụng người mới thì tái đào tạo đội ngũ có sẵn để đảm nhận các vị trí cần thiết là lựa chọn ít tốn kém và thích ứng nhanh nhất với mô hình kinh doanh mới.
“Nhân sự cũ thạo chuyên môn, am hiểu văn hóa doanh nghiệp, chỉ cần bổ sung một số kỹ năng cần thiết mới, có thể vừa học vừa làm, thay vì phải đào tạo toàn bộ từ đầu ít nhất 2 tháng thử việc và mất thêm nhiều tháng hòa nhập như nhân viên mới”, bà Tiêu Yến Trinh – CEO Talentnet đánh giá về cơ hội của tái đào tạo đối với doanh nghiệp.
Tác động không ngờ của tái đào tạo đã được chứng thực bằng nghiên cứu gần đây của TalentLMS, Training Journal và Workable. Theo đó, 80% nhân viên nói rằng họ tự tin hơn về năng lực bản thân sau khi được tái đào tạo, nâng cao kỹ năng. 91% công ty và 81% lao động cho biết chương trình này đã làm tăng năng suất làm việc. Tái đào tạo đã giúp doanh nghiệp lấp đầy lỗ hổng năng lực bằng đội ngũ nhân viên tích cực, năng suất, cống hiến và sẵn sàng thích nghi với thay đổi.
“Re-skilling” cũng bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trước cuộc khủng hoảng dịch chuyển nhân sự ồ ạt. Thông qua việc được doanh nghiệp trang bị những kỹ năng mới, nhân viên sẽ có thêm cơ hội tối đa hóa tiềm năng, cũng như thắt chặt mối quan hệ gắn bó bấy lâu với doanh nghiệp.
Làm thế nào để bắt đầu tái đào tạo nhân sự?
Trên thực tế, nhiều tập đoàn lớn đã sớm tiến hành nâng cao kỹ năng cho nhân viên từ rất lâu, trước khi đại dịch xảy ra. Ví dụ, Amazon đã đầu tư 700 triệu USD vào các chương trình tái đào tạo; Mastercard cũng làm điều tương tự từ 2016 để củng cố sức khỏe bộ máy nhân sự, đạt được lợi thế cạnh tranh so với các công ty khởi nghiệp.
Để tái đào tạo hiệu quả, theo Talentnet, doanh nghiệp cần nhanh chóng xác định các kỹ năng mà mô hình kinh doanh mới đang thiếu, thậm chí là các kỹ năng cần phải có trong chiến lược phát triển dài hạn 5-10 năm nữa. Sau đó, tinh chỉnh thành bộ kỹ năng riêng cho nhân viên, tập trung vào 4 loại kỹ năng: chuyển đổi số, nhận thức, xã hội và cảm xúc.
Đồng thời, doanh nghiệp cần phân tích chỉ số thích ứng của từng nhân sự, xây dựng lộ trình và chương trình tái đào tạo phù hợp với năng lực thực tế của mỗi cá nhân. Trong đó, việc không ngừng trao quyền, chuyển đổi vị trí, kiểm tra, đánh giá, sửa đổi… cho nhân sự để họ chủ động nâng cao kỹ năng là điều vô cùng cần thiết.
Một xu hướng mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng hiện nay là sử dụng công nghệ để phục vụ cho học tập và phát triển kĩ năng của nhân viên. Công nghệ giúp trải nghiệm học tập của nhân viên trở nên phong phú và thú vị hơn. Đơn cử như chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC đã ứng dụng trò chơi Thực tế ảo (VR) mô phỏng những thao tác trong bếp để huấn luyện nhân viên chế biến thực phẩm. Hay ứng dụng học nói tiếng Anh ELSA Speak với công nghệ Trí thông minh nhân tạo (AI) giúp chỉ ra lỗi sai trong cách phát âm và hướng dẫn chỉnh sửa theo từng âm tiết. Ứng dụng này đang được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng để nâng cao kĩ năng ngoại ngữ cho nhân viên, nhờ khả năng tạo ra lộ trình học riêng biệt theo từng trình độ người học, và tích hợp công cụ quản lý tổng quan để kiểm soát tiến độ học tập của nhân viên dễ dàng, nhanh chóng.