Tái Đào Tạo Và Nâng Cao Năng Lực - Yếu Tố Quyết Định Cho Sự Phát Triển Của Doanh Nghiệp Hậu Covid-19
20/01/2022
Theo Báo cáo Tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào năm 2018, dự kiến có đến 75 triệu việc làm thuộc 20 lĩnh vực trọng yếu sẽ biến mất vào năm 2022. Mặt khác, sự phát triển công nghệ và công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo ra 133 triệu việc làm mới. Cùng với những nhu cầu mới về chuyên môn, doanh nghiệp nên thiết lập các bộ kỹ năng cần thiết để duy trì năng lực cạnh tranh thông qua hoạt động tái đào tạo (reskilling) và nâng cao năng lực (upskilling) cho đội ngũ nhân viên.
Khoảng cách năng lực (Skill gap): Định nghĩa và nguyên nhân
Một cách ngắn gọn, thuật ngữ “khoảng cách năng lực” dùng để chỉ sự cách biệt giữa những gì nhà tuyển dụng yêu cầu với những gì nhân viên có thể đáp ứng. Ví dụ, mặc dù còn rất nhiều vị trí trống trong doanh nghiệp, nhưng hầu như không có hoặc có rất ít ứng viên phù hợp với vị trí đó. Mặt khác, dù ứng viên sở hữu những bộ kỹ năng đặc trưng nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào đòi hỏi những kỹ năng ấy.
Dưới đây là một số nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng này:
- Sự khác biệt về bản chất – giữa kiến thức ứng viên tích lũy với nhu cầu thực sự của các nhà tuyển dụng.
- Hạn chế trong hệ thống đào tạo – nhân viên không thể bắt kịp với những tiến bộ kỹ thuật bởi chưa được tham gia các khóa học đào tạo giúp lấp đầy “lỗ hổng” năng lực.
- Thiếu hụt chuyên gia – việc tìm kiếm những ứng viên sở hữu chuyên môn vượt trội là điều không hề dễ dàng với những lĩnh vực mới và chưa có nhiều chuyên gia.
- Đình trệ trong việc chuyển giao kiến thức – những nhân viên dày dặn kinh nghiệm không thể kịp thời truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ khi họ sắp nghỉ hưu và quá trình chuyển giao lực lượng lao động lại diễn ra với tốc độ quá nhanh.
Làm thế nào để tái đào tạo và nâng cao năng lực?
Upskilling và reskilling chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp rút ngắn cách biệt năng lực trong nội bộ. Theo đó, reskilling là quy trình đào tạo nhằm trang bị cho nhân viên các bộ kỹ năng mới để đảm nhiệm công việc mới. Cũng theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, doanh nghiệp toàn cầu cần dịch chuyển cơ cấu “đáng kể” hơn một nửa (54%) lao động trước năm 2022.
Trong khi đó, upskilling đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cấp và trang bị cho đội ngũ nhân sự những bộ kỹ năng cao cấp để lấp đầy “lỗ hổng” năng lực. Nhân viên vốn là những người sẽ cống hiến cho doanh nghiệp trong nhiều năm liền cùng với sự am tường về văn hoá công ty và đặc tính khách hàng. Do đó, họ phải được tạo điều kiện để liên tục học hỏi và phát triển trong xuyên suốt quá trình làm việc.
Mặc dù có đến 2/3 doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của các chương trình phát triển nhân lực, họ vẫn còn khá dè dặt để tiến hành upskilling và reskilling do những hạn chế về ngân sách và khó tìm được công cụ thích hợp. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, rất có khả năng doanh nghiệp sẽ không thể hoàn thành được những mục tiêu dài hạn đã đề ra bởi lực lượng lao động của công ty chưa được trang bị tất cả các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng những công nghệ tiên tiến hiện nay vào chương trình reskilling và upskilling, những lo lắng trên của doanh nghiệp có thể được giải quyết hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như giúp nâng cao trải nghiệm cho nhân viên.
“Lối ra” nào dành cho doanh nghiệp?
Chỉ trong vài năm tới, upskilling và reskilling sẽ ngày càng phát huy vai trò quan trọng. Vì thế, doanh nghiệp nên bắt đầu cải tiến lực lượng lao động từ những việc sau:
- Thiết lập các chương trình đào tạo cho đội ngũ nhân sự sẵn có của doanh nghiệp.
- Xây dựng một chương trình cố vấn nơi cựu nhân viên dày dặn kinh nghiệm có thể truyền dạy các kỹ năng cần thiết cho thế hệ tiếp theo.
- Tập trung bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân viên đa nhiệm, linh hoạt. Trong đó, luân chuyển nhân sự sẽ là một lựa chọn khôn ngoan để hiện thực hóa mục tiêu này.
- Bổ sung các nhiệm vụ cộng thêm vào bản mô tả công việc thực tế để nhân viên có thể học hỏi các kỹ năng mới.
- Thuê ngoài chuyên gia nhằm kịp thời lấp đầy những “lỗ hổng” kỹ năng mà doanh nghiệp đang đối mặt và tận dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao trải nghiệm của nhân viên.
Lợi ích của hoạt động upskilling và reskilling
“Bộ đôi” upskilling và reskilling có thể mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích không tưởng, có thể kể đến một vài ích lợi tiêu biểu như sau:
- Giảm thiểu chi phí tuyển dụng
Upskilling và reskilling đều là những khoản đầu tư xứng đáng cho đội ngũ nhân sự nhằm nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ giúp tối giản quy trình tuyển dụng, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí liên quan việc đào tạo nhân viên mới.
- Giữ chân những nhân viên xuất sắc
Upskilling và reskilling cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể giữ chân được những nhân sự xuất sắc. Chưa kể việc tìm kiếm nhân tài không phải lúc nào cũng dễ dàng nên sẽ là một thiếu sót lớn nếu để những nhân viên ưu tú rời bỏ doanh nghiệp.
- Thu hút nhân tài
Không chỉ giúp giữ chân nhân tài, reskilling và upskilling còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với thế hệ lao động tương lai – tài năng và sẵn sàng cống hiến. Bởi đối với những ứng viên có thực lực, việc tạo cơ hội phát triển và đóng góp tiếng nói cũng chính là cách doanh nghiệp thể hiện sự trân trọng với đội ngũ nhân sự. Và nhân viên sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp luôn biết quan tâm và coi trọng vai trò của đội ngũ nhân sự hiện tại.
COVID-19 chắc chắc đã đem đến không ít trở ngại cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển, nhưng nó cũng có thể tạo ra động lực cho doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh để dẫn đầu thị trường. Tái đào tạo và nâng cao năng lực (reskilling và upskilling) sẽ là nền tảng giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững trong thời bình thường mới.
Nguồn: ELSA Speak