Văn Hóa Doanh Nghiệp Thay Đổi Trong Thời Kỳ Bình Thường Mới Như Thế nào?
29/04/2022
Thông thường, văn hóa doanh nghiệp có xu hướng ổn định và vững chắc. Cần có quá trình dài để thay đổi, có thể là vài năm, với mục đích là thay đổi cấu trúc tổ chức để dễ dàng quản lý và lãnh đạo. Tuy nhiên, có những sự kiện bất ngờ xảy đến khiến cho văn hóa, cấu trúc ban đầu bị thay đổi. Ví dụ tiêu biểu chính là làn sóng COVID-19. Nhiều nhà lãnh đạo hy vọng rằng có thể khắc phục, vượt qua, và trở lại trạng thái bình thường vốn có, tuy nhiên điều này là rất khó. Lúc này cả thế giới đang bước đến năm thứ ba của đại dịch và rõ ràng rằng có thứ gì đó đã thay đổi, chúng ta không thể biến nó trở lại trạng thái như trước được nữa.
Văn hóa doanh nghiệp thay đổi như thế nào trong thời kỳ “Bình thường mới”?
Vào đầu năm 2020, khi cả thế giới đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID, hầu hết các công việc đều chuyển sang hình thức online, làm việc tại nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng điều này chỉ là tạm thời và mọi thứ sẽ trở về trạng thái cũ, rằng mọi người sẽ trở lại văn phòng làm việc.
Nhưng thực tế không như vậy, người lao động không mong muốn trở lại cuộc sống như trước đây. Do vậy, một số lượng lớn nhân viên đã từ chức, rút khỏi công việc bởi họ cho rằng bản thân sẽ lựa chọn nghỉ việc còn hơn phải làm việc trong một môi trường, văn hóa không phù hợp với mình.
Như vậy, sự thay đổi của xã hội đã gây tác động lớn đến văn hóa tổ chức của doanh nghiệp.
1. Làm việc tại văn phòng không còn là điều bắt buộc
Kể từ năm 2020, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Các mô hình lai tạo ra sự kết hợp lý tưởng giữa văn phòng và làm việc từ xa và điều này đã được nhân viên đặc biệt hoan nghênh. Theo khảo sát của Microsoft – 77% người lao động theo mô hình kết hợp tại Việt Nam đang cân nhắc chuyển sang làm việc từ xa hoàn toàn trong thời kỳ bình thường mới. Các công ty không thể tiếp tục phụ thuộc vào môi trường văn phòng để xây dựng lại các mối quan hệ xã hội đã mất trong hai năm qua.
Trước đây, các nhân viên sẽ phải làm việc cùng nhau trong một căn phòng. Các công ty cho rằng, điều này sẽ giúp họ dễ dàng tổ chức các cuộc họp, lên kế hoạch cho các sự kiện hoặc có trò chuyện với nhau. Những hoạt động tương tác này là động lực chính của văn hóa tổ chức doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giờ đây, các nhân việc không thể làm việc ở cùng một không gian mà mỗi cá nhân sẽ làm việc từ xa, ở những vị trí khác nhau. Vậy, một vấn đề đặt ra rằng làm cách nào để mọi người kết nối khi họ không làm việc cùng nhau tại văn phòng? Nhân viên làm việc từ xa có bỏ lỡ các cuộc trò chuyện quan trọng? Và làm thế nào để phát triển văn hóa doanh nghiệp khi họ làm việc ở những nơi khác nhau như vậy? Đây là những vấn đề hóc búa mà nhà tuyển dụng cần giải quyết.
2. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hiện nay cũng quan trọng như tiền lương
Theo khảo sát của thống kê giờ làm việc trung bình năm 2021 của clockify, người Mỹ được xem là những người làm việc chăm chỉ với thời gian làm việc trung bình hơn 1.750 giờ mỗi năm, cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhưng không phải lúc nào cũng tốt khi có 2/3 số công nhân đã phải trải qua tình trạng kiệt sức, tại thời điểm trước đại dịch. Và khi COVID-19 ập đến đã khiến nhiều người phải suy nghĩ về các ưu tiên của họ. Có nhiều nhân viên đã sẵn sàng lựa chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn là việc xem trọng mức lương cao.
Ngoài ra, theo một khảo sát của Microsoft, 69% nhân viên tại Việt Nam tham gia cho biết, họ đề cao sức khỏe và phúc lợi của mình cao hơn sự nghiệp so với trước khi xảy ra đại dịch.
Hiện nay, nhiều nhân viên không bằng lòng đánh đổi hạnh phúc của mình để lấy một mức lương cao. Sau khi trải qua thời gian dài ở nhà do đại dịch và chứng kiến cảnh những người thân yêu của mình ra đi vì bệnh tật, nhiều người nhận ra rằng họ cần tập trung vào gia đình và chất lượng cuộc sống hơn. Sự thay đổi tư duy này là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc .
Như vậy, điều này sẽ tạo ra sự thay đổi trong việc quảng bá văn hóa doanh nghiệp. Sẽ có ít công ty quảng bá văn hóa tập trung – hướng đến thành quả, văn hóa tạo ra vô vàn áp lực cho nhân viên. Và sẽ có nhiều công ty hướng đến việc cung cấp một môi trường làm việc an toàn, bền vững để làm giảm tỷ lệ nhân viên kiệt sức do công việc.
3. Khả năng thích ứng là cần thiết cho một nền văn hóa doanh nghiệp luôn thay đổi
Một số nhóm làm việc có khả năng sai sót thấp – chẳng hạn như các nhóm làm việc theo cách tuân thủ. Trong môi trường làm việc như thế này, văn hóa tổ chức thường coi trọng độ chính xác, độ tin cậy và sự chú ý đến từng chi tiết. Tuy nhiên đại dịch xảy ra đã làm mọi thứ thay đổi. Từ đó cho chúng ta thấy rằng khả năng thích ứng với hoàn cảnh là điều vô cùng cần thiết. Và với những thách thức ở hiện tại, chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi tất cả mọi người phải có sự linh hoạt hơn.
Nhà tuyển dụng đang nỗ lực giúp nhân viên của họ năng động hơn để có thể sẵn sàng ứng phó với đại dịch tiếp theo hay bất kỳ sự khủng hoảng tương tự nào. Do đó, các nhà tuyển dụng đang tập trung vào các ứng viên có các kỹ năng mềm như khả năng thích ứng, linh hoạt, sẵn sàng học hỏi và tư duy phản biện.
Ngoài việc làm cho văn hóa tổ chức trở nên năng động hơn, họ cũng sẽ tạo sự hợp tác giữa các nhóm. Vì để đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy đòi hỏi việc phải giao tiếp với nhau nhiều. Minh chứng rằng các nền văn hóa cứng nhắc, bảo thủ đã sụp đổ.
4. Nhận thức về sức khỏe tinh thần là năng lực cốt lõi
Trước đại dịch, nhiều nhà lãnh đạo cảm thấy sức khỏe tinh thần của nhân viên không phải là vấn đề quan trọng liên quan đến công việc. Dù cung cấp các Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (EAP), nhưng chăm sóc sức khỏe tinh thần phần lớn phải dựa vào mỗi cá nhân. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Harvard Business Review về sức khỏe tinh thần trong công việc, kể từ sau đại dịch, những nhân viên nghỉ việc vì lý do sức khỏe tinh thần đã tăng vọt từ 34% lên 50%. Điều này đã biến sức khỏe tinh thần của nhân viên trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý.
Các nhà lãnh đạo sau đại dịch phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên, và phải hiểu văn hóa tổ chức có thể ảnh hưởng đến chúng như thế nào. Các vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến công việc thường bắt nguồn từ một trong hai nguyên nhân: căng thẳng do làm việc quá sức, hoặc bị đồng nghiệp phân biệt đối xử và quấy rối. Cả hai yếu tố này đều phổ biến trong một nền văn hóa độc hại.
Nếu công ty của bạn muốn thu hút và giữ chân những người tài giỏi thì cần một nền văn hóa hỗ trợ họ tốt nhất có thể. Có thể hiểu rằng đó là sự quan tâm, trò chuyện về những khó khăn mà nhân viên đang gặp phải. Khi làm được điều này, chúng sẽ góp phần trực tiếp trong việc cải tạo, thay đổi vào một nền văn hóa độc hại hoặc thù địch.
5. Trung thực vẫn là điều kiện ưu tiên
Nhân viên cần tin tưởng sếp của họ. Đặc biệt, trong một cuộc khủng hoảng như đại dịch, sự tin tưởng đúng nghĩa là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, cứ ba người lao động thì có một người báo cáo rằng họ không tin tưởng vào sếp của mình.
Trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch, nhân viên cần học cách đánh giá cao một người sếp một cách cởi mở và trung thực, ngay cả khi trong hoàn cảnh tồi tệ. Điều này đã thay đổi kỳ vọng của rất nhiều người. Và giao tiếp cởi mở, giờ đây là phẩm chất cần có trong bất kỳ nền văn hóa nào.
Thực tế, xu hướng này đã có trước đại dịch. Nhân viên thế hệ gen Z thích văn hóa doanh nghiệp không có sự phân cấp, có nghĩa họ muốn một người quản lý phải có cách giao tiếp cởi mở. Và trung thực luôn là chính sách tốt nhất làm được điều này, nhưng hiện tại nó là chính sách duy nhất.
Dù văn hóa doanh nghiệp đang thay đổi nhưng đều dựa trên nguyên tắc cơ bản
Tại sao đại dịch lại gây ra sự thay đổi căn bản trong văn hóa doanh nghiệp như vậy?
Bởi vì đại dịch chỉ ra rất nhiều vấn đề sâu xa bên trong các tổ chức. Các công ty sẽ gặp khó khăn nếu họ có mức độ tương tác thấp, hoặc không đủ linh hoạt, hoặc nếu mối quan hệ giữa người lao động và người lao động không tốt.
Văn hóa tổ chức là tất cả về các nguyên tắc cơ bản. Nếu bạn muốn có một nền văn hóa phát triển, bạn cần có một đội ngũ nhân sự tốt, những người có thể xây dựng một môi trường an toàn, hỗ trợ cho tất cả nhân viên của bạn.