Văn Hóa Gắn Kết – Yếu Tố Cần Thiết Để Xây Dựng Môi Trường Làm Việc Lý Tưởng
17/09/2021
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực và gắn kết không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là khi đội ngũ lãnh đạo luôn bận trăm công nghìn việc, còn mỗi nhân viên lại có những cá tính khác nhau.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đó không thể bị phớt lờ, bởi văn hóa gắn kết, với khả năng phản ánh và thể hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là nền tảng đem lại thành công, đảm bảo sự phát triển và những giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Văn hóa gắn kết là gì?
Văn hóa gắn kết là nơi nhân viên cảm giác được thuộc về, sẻ chia các giá trị chung, cùng cam kết gắn bó với tập thể và hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp. Mỗi tổ chức thường có ba thành phần – các thành viên, giá trị của mỗi thành viên và sự cống hiến cho tập thể. Như vậy, để tạo dựng sự gắn kết, xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh, đội ngũ lãnh đạo cần làm gì?
Chủ động lắng nghe
Lãnh đạo doanh nghiệp nên chủ động rời văn phòng làm việc thân thuộc của mình, góp mặt thường xuyên hơn trong những cuộc họp nhằm khuyến khích sự chia sẻ và phản hồi từ các thành viên trong đội nhóm. Sẵn lòng đón nhận ý kiến, cảm thông, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm cũng là điều mà mỗi nhà lãnh đạo nên làm, dù tranh cãi, bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Đừng xem thường quan điểm của nhân viên bởi họ có thể đưa ra những sáng kiến thú vị và việc phát biểu đóng góp ý kiến giúp họ trở nên tự tin và thấu hiểu vấn đề hơn. Dù vậy, hiệu quả công việc vẫn là ưu tiên hàng đầu nên lãnh đạo cần giám sát, đảm bảo toàn bộ đội nhóm làm việc có trách nhiệm.
Đánh giá văn hóa làm việc
Thực hiện những đánh giá thường xuyên là vô cùng quan trọng. Từ đó, ban lãnh đạo có thể đánh giá được mức độ hòa hợp của đội ngũ với văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đánh giá còn giúp kịp thời phát hiện những điểm yếu trong văn hóa của doanh nghiệp, kịp thời khắc phục và hoàn thiện hơn. Văn hóa doanh nghiệp nếu được xây dựng một cách mơ hồ, không rõ ràng có thể là nguyên nhân gây chia rẽ trong doanh nghiệp. Vì thế đội ngũ lãnh đạo cần lưu ý và kịp thời xử lý trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Thấu hiểu đội nhóm
Lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm rõ cách các đội nhóm trong doanh nghiệp làm việc và tương tác với nhau. Khi đã có hiểu biết sâu sắc về đội nhóm và năng lực triển khai nhiệm vụ của họ, lãnh đạo có thể tìm ra phương pháp làm việc phù hợp để gắn kết tất cả mọi người, đảm bảo hiệu suất công việc cao nhất.
Ngoài công việc, lãnh đạo cần chú tâm đến những hoạt động xây dựng đội nhóm (team-building). Những chương trình teambuilding sẽ khích lệ tinh thần cũng như củng cố tình đồng đội của nhân viên trong công việc. Đó cũng là cơ hội quý giá để mỗi lãnh đạo có thể nhìn nhận, đánh giá động lực làm việc đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp của mình. Hình thức tổ chức hoạt động teambuilding cần được lựa chọn một cách phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả cũng như khả năng tham gia của mọi người. Một bữa ăn tối vui vẻ, thoải mái sẽ là lựa chọn hợp lý cho những bạn trẻ, trong khi một buổi ăn trưa, một chuyến đi dã ngoại với tiệc nướng ngoài trời sẽ là lựa chọn thích hợp hơn cho những người đứng tuổi, đã có gia đình.
Trao niềm tin cho đội ngũ
Một lãnh đạo quá chú tâm vào tiểu tiết và cố gắng kiểm soát mọi khía cạnh của doanh nghiệp sẽ trở thành rào cản lớn trong việc xây dựng văn hóa gắn kết. Việc đi sâu vào chi tiết khiến quy trình trở nên cứng nhắc và phức tạp. Hãy để nhân viên tự làm những gì tốt nhất có thể và khích lệ họ. Nói cách khác, lãnh đạo cần có niềm tin nơi nhân viên và không nên can thiệp quá sâu. Để được vào làm việc trong doanh nghiệp, nhân viên đã thể hiện và chứng minh năng lực, kỹ năng của họ.Vì thế không có lý do gì mà lãnh đạo không thể tin tưởng để họ làm tốt nhất phần việc của mình. Trong trường hợp nhân viên lúng túng, chưa biết nên làm thế nào, lãnh đạo có thể đưa ra một số hướng dẫn, hỗ trợ ban đầu rồi sau đó để nhân viên tự chủ trong phần việc còn lại.
Chia sẻ mục tiêu chung
Lãnh đạo là người có trách nhiệm đặt ra mục tiêu cho doanh nghiệp và xây dựng tầm nhìn chung để mọi người có thể hiểu được ý nghĩa về phần việc mà mình đang thực hiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo cần đem lại cho nhân viên cái nhìn đúng đắn và hợp lý, trao cho họ “kim chỉ nam” để luôn theo đuổi mục tiêu đúng hướng. Điều này là vô cùng quan trọng bởi thế giới này vô cùng rộng lớn và mọi thứ thay đổi không ngừng. Quan điểm và cách nhìn nhận của mỗi người cũng có thể khác biệt, và cách họ sử dụng “kim chỉ nam” cũng có thể không đồng nhất. Do vậy, để phát huy hiệu quả làm việc của đội nhóm trong doanh nghiệp, lãnh đạo cần có sự bao quát, đa dạng, rõ ràng và minh bạch, tạo cảm giác gắn kết cho mọi thành viên trong nhóm, và giữ cho chiếc kim chỉ nam của mọi người luôn được đồng bộ, rõ ràng.
Nếu doanh nghiệp đang tìm cách xây dựng văn hóa gắn kết, Talentnet, nhà cung cấp dịch vụ nhân sự toàn diện tại Việt Nam, với cách tiếp cận tổng thể, tích hợp, tự tin đồng hành cùng hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra những thay đổi đột phá trong tổ chức. Hãy liên hệ với đội ngũ tư vấn của Talentnet để tìm ra chiến lược nhân sự phù hợp nhất cho doanh nghiệp của bạn.