Những ngành nghề có triển vọng trong tương lai
19/09/2022
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự thay đổi liên tục về xu hướng nghề nghiệp. Vì vậy, những ngành nghề có triển vọng trong tương lai là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh. Hãy cùng Talentnet điểm qua 10 ngành nghề có tiềm năng phát triển nhất trong 10 năm sắp tới.
1. Xu hướng nghề nghiệp trong tương lai tại Việt Nam
Theo các chuyên gia dự đoán, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai tại Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các ngành nghề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Chính vì sự ra đời của máy móc tự động và tự động hóa nên một số ngành nghề sẽ bị giảm số lượng lao động, thậm chí bị đào thải. Thư ký hành chính, nhân viên lưu trữ, công nhân lắp ráp,… là những nghề được dự đoán có thể sẽ không cần nhiều nhân lực trong tương lai.
2. Tại sao cần nắm rõ những ngành nghề triển vọng trong tương lai?
Theo một nghiên cứu cho thấy, đến năm 2025, hơn 5 triệu việc làm do con người đảm nhiệm hiện nay có thể sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc và tự động hóa. Vì vậy, nắm rõ những ngành nghề có triển vọng trong tương lai sẽ giúp bạn chủ động trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của xã hội, khả năng và đam mê của mình.
Khi đã xác định được nghề nghiệp muốn theo đuổi, bạn có thể chuẩn bị tốt hơn về kiến thức và kỹ năng, qua đó mở ra nhiều cơ hội việc làm và thuận lợi hơn trên con đường thăng tiến sự nghiệp trong tương lai.
3. Danh sách những ngành nghề có triển vọng trong tương lai
Sau đây là danh sách top 10 những ngành nghề có tiềm năng phát triển nhất ở tương lai mà bạn có thể tham khảo để xác định và thay đổi định hướng nghề nghiệp ở hiện tại.
3.1 Ngành Khoa học máy tính
Ngành Khoa học máy tính có tiềm năng phát triển nhất bởi nhu cầu xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo và đời sống.
Định hướng nghề nghiệp tương lai: Lập trình viên, kỹ sư máy tính, chuyên viên đảm bảo chất lượng phần mềm, Chuyên viên nghiên cứu và phát triển các công nghệ, chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số, chuyên gia chế tạo máy,….
Học gì để bắt đầu: Để học tốt ngành này, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức về toán học và ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Nhật). Ngoài ra cần rèn luyện tư duy, khả năng tự học và xác định tâm lý vững vàng vì ngành Khoa học máy tính rất khó học với nhiều chuyên ngành hàn lâm.
Yêu cầu năng lực của ngành:
- Có kiến thức chuyên môn về ngành Khoa học máy tính.
- Có khả năng triển khai xây dựng các hệ thống ứng dụng tin học thiết kế và xây dựng các phần mềm.
- Có thể tự phân tích và nghiên cứu các vấn đề chuyên sâu về ngành.
- Thành thạo tiếng anh để làm việc với các chuyên gia nước ngoài
- Có khả năng làm việc nhóm và chịu được áp lực công việc cao.
Các trường đào tạo:
- Trường đại học bách khoa – đại học quốc gia TPHCM
- Trường đại học Bách khoa Hà Nội
- Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Thái Nguyên
- Trường Đại học FPT
- Trường đại học Tôn Đức Thắng
3.2 Ngành Digital Marketing
Digital Marketing sẽ là ngành cực hot trong tương lai bởi nhu cầu quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ bằng kỹ thuật số ngày càng tăng cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Định hướng nghề nghiệp tương lai: Designer, Account, Content Creator, Copywriter, Media Planner…
Học gì để bắt đầu: Tham gia các khóa học marketing online miễn phí, tìm hiểu trước về các thuật ngữ và kiến thức cơ bản liên quan đến marketing.
Yêu cầu năng lực của ngành: Bắt “trend” nhanh nhạy, sử dụng thành thạo các công cụ phân tích thông tin, hỗ trợ cho quá trình làm việc, có khả năng sáng tạo, truyền tải nội dung tốt qua chữ viết, hình ảnh,…
Các trường đào tạo:
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Ngoại thương
- Đại học FPT
- Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
- Đại học RMIT
3.3 Ngành nghề về lĩnh vực tâm lý
Hiện nay các bệnh về tâm lý đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội vì đang có xu hướng trẻ hóa. Trong tương lai, khi xã hội phát triển và kinh tế ổn định, các vấn đề về tâm lý chắc chắn sẽ được quan tâm nhiều hơn so với hiện tại. Vì vậy, các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực tâm lý sẽ có tiềm năng phát triển hơn nữa.
Học gì để bắt đầu: Hoàn thành chương trình học về tâm lý xã hội và học nâng cao lên thạc sĩ, tiến sĩ để có thể trở thành nhà trị liệu uy tín trong tương lai.
Yêu cầu năng lực của ngành: Nắm vững các kiến thức về tâm lý học lâm sàng, bao gồm cả y khoa; phân tích được các vấn đề tâm lý để tìm ra phương pháp thực nghiệm phù hợp; trình bày vấn đề và giao tiếp tốt.
Các trường đào tạo:
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
- Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech)
- Đại học Sư phạm TP.HCM
- Đại học Sư phạm Hà Nội
3.4 Nghề kỹ sư môi trường
Trong tương lai, vấn đề môi trường sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn vì đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam và của toàn thế giới. Vì vậy, nghề kỹ sư môi trường được dự đoán sẽ rất triển vọng trong thời gian sắp tới.
Học gì để bắt đầu: Tìm hiểu trước các kiến thức cơ bản và các môn học theo chuyên ngành, chọn môi trường đào tạo phù hợp.
Yêu cầu năng lực của ngành: Đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, tốt nghiệp đại học trở lên ở các chuyên ngành về kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường hoặc các ngành liên quan; thành thạo tin học và ngoại ngữ để có cơ hội làm việc ở công ty nước ngoài.
Các trường đào tạo:
- Trường Đại học Xây dựng
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
- Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng
- Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên
3.5 Ngành Công nghệ thực phẩm
Việt Nam là nước xuất siêu với mặt hàng chủ lực là nông, thuỷ hải sản, bên cạnh đó lĩnh vực chế biến nông, thuỷ hải sản trong nước vẫn không ngừng phát triển. Điều này dẫn đến việc công nghệ thực phẩm sẽ tiếp tục là ngành học đem lại cơ hội việc làm cao cho sinh viên.
Học gì để bắt đầu: học sinh, sinh viên nên củng cố kiến thức nền tảng về bộ môn hoá học, sinh học. Đồng thời người học có thể tìm hiểu trước về chương trình đào tạo của các trường.
Yêu cầu năng lực của ngành: Có kiến thức chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phân tích quy trình và nguyên liệu và phương pháp chế biến, đánh giá thành phẩm,…
Các trường đào tạo:
- Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh
- Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh
- Đại học Bách khoa Hà Nội
3.6 Ngành công nghệ ô tô
Công nghệ ô tô là ngành giữ được phong độ trong khi các ngành khác chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, mức sống và nhu cầu sử dụng các phương tiện đi lại hiện đại sẽ ngày một tăng, kéo theo triển vọng ngành công nghệ ô tô.
Học gì để bắt đầu: Tìm hiểu và làm quen với ngành bằng cách đọc các tài liệu, tạp chí công nghiệp, tìm hiểu về những công nghệ sản xuất ô tô,…
Yêu cầu năng lực của ngành: Có kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, điện tử, công nghệ chế tạo máy móc, có kiến thức về điều hành sản xuất, lắp ráp ô tô,…
Các trường đào tạo:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh
- Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
- Học viện Kỹ thuật Quân sự
- Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh
3.7 Ngành chăm sóc sắc đẹp
Nhu cầu làm đẹp của con người ngày một tăng cao đối với cả nam lẫn nữ giới, thuận theo xu thế phát triển tự nhiên của xã hội. Cùng với việc mức sống của người dân càng được nâng cao, ngành chăm sóc sắc đẹp và các ngành nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ được xem trọng hơn, trở thành ngành nghề triển vọng đối với học sinh, sinh viên.
Học gì để bắt đầu: Tìm kiếm thông tin về các ngách của lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp qua báo chí, tham gia các buổi workshop, tìm hiểu về công nghệ, các sản phẩm làm đẹp qua các kênh Youtube,…
Yêu cầu năng lực của ngành: Có kiến thức chuyên sâu về một hoặc nhiều lĩnh vực của ngành chăm sóc sắc đẹp, am hiểu các kỹ thuật, quy trình và công nghệ cũng như các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, diện mạo,…
Các trường đào tạo:
- Cao đẳng nghề Công thương Việt Nam
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Cao đẳng Viễn Đông
- Cao đẳng Kỹ thuật Y Dược Hà Nội
- Học viện Thẩm mỹ Quốc tế Seoul Academy
3.8 Lĩnh vực an ninh mạng
Trong giai đoạn số hoá, an toàn thông tin và an ninh mạng là vấn đề nhiều người dùng Internet lẫn doanh nghiệp đều quan tâm. Nhu cầu đảm bảo an ninh mạng của các tổ chức ngày một cao, dẫn đến nhiều cơ hội hơn cho người học ngành này.
Học gì để bắt đầu: Tìm hiểu về lập trình, các khái niệm như điện toán đám mây, các công nghệ kỹ thuật số,…
Yêu cầu năng lực ngành: Có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực, biết cách bảo vệ thông tin trên không gian Internet, có khả năng vận hành, điều hành việc bảo vệ mạng lưới an ninh mạng, biết phát hiện nguy cơ mất an ninh mạng và khắc phục hiệu quả,…
Các trường đào tạo:
- Học viện An ninh Nhân dân
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Bách khoa Đà Nẵng
- Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
3.9 Lĩnh vực nha khoa
Tương tự như ngành chăm sóc sắc đẹp, các ngành nghề lĩnh vực nha khoa cũng ngày một phát triển hơn do nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Số lượng phòng khám nha khoa đăng ký tăng mạnh trong những năm gần đây, cho thấy cơ hội việc làm cao của ngành này.
Học gì để bắt đầu: Tìm hiểu chương trình đào tạo chuyên sâu và các đơn vị, trường đào tạo chất lượng.
Yêu cầu năng lực ngành: Có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, có khả năng đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu bệnh lý, có khả năng điều trị và lập kế hoạch điều trị các bệnh răng hàm mặt, hướng dẫn bệnh nhân phòng ngừa bệnh,….
Các trường đào tạo:
- Đại học Y Hà Nội
- Đại học Y Dược Hà Nội
- Đại học Y tế Công Cộng
- Đại học Y Dược Thái Nguyên
- Khoa Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
3.10 Lĩnh vực thú y
Ngành thú y ngày càng phát triển dựa trên nhận thức tăng cao của người dân về phúc lợi của động vật. Đồng thời ngành này cũng có mối liên hệ với hiệu suất chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh,… Từ đó, có thể thấy thú y sẽ là nhóm ngành có triển vọng cao mà người học nên tham khảo.
Học gì để bắt đầu: Củng cố các kiến thức hóa học, sinh học, tìm hiểu chương trình đào tạo của các trường có đào tạo ngành thú y.
Yêu cầu năng lực của ngành: Có kiến thức chuyên môn về chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, biết cách chẩn đoán, lập phác đồ điều trị, tiêm phòng, sử dụng đúng loại thuốc và hóa chất cho vật nuôi.
Các trường đào tạo:
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Đại học Lâm Nghiệp
- Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh
- Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh
Trên đây là thông tin về những ngành nghề có triển vọng trong tương lai , hứa hẹn đem lại cơ hội việc làm cao với mức thu nhập xứng đáng. Mong rằng bài viết sẽ trở thành nguồn tham khảo có ích với những ai đang ở bước ngoặt lựa chọn con đường cho riêng mình.