Xây Dựng Văn Hóa Làm Việc Linh Hoạt Đầy Chất Lượng Với Nguyên Tắc 6C
18/03/2022
Với những công ty có tầm nhìn xa, việc xây dựng văn hóa công sở vững mạnh luôn đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược kinh doanh. Trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, số liệu cho thấy môi trường làm việc tích cực góp phần cải thiện việc gắn kết nhân viên, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
Trong khi nhiều lãnh đạo nhận ra giá trị của văn hóa vững mạnh, một số doanh nghiệp vẫn đang trì hoãn việc thực hiện nhiều thay đổi lớn để thích nghi với môi trường làm việc ảo. Thay vào đó, những doanh nghiệp này chỉ thực hiện những điều chỉnh mang tính tạm thời và giữ hy vọng sẽ quay lại văn phòng làm việc, nơi mọi người có xu hướng gắn kết với ý thức tập thể mạnh mẽ hơn. Thực tế cho thấy, nhiều công ty đã không thể trở lại làm việc theo cách truyền thống được nữa, thay vào đó là phải nghiêm túc thay đổi để thích nghi.
72% các lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán mô hình làm việc linh hoạt sẽ được áp dụng rộng rãi sau đại dịch. Vì thế, doanh nghiệp cần nhận ra tầm quan trọng của việc định hình môi trường làm việc linh hoạt của mình ra sao, nhân viên có cảm nhận thế nào khi nhắc đến. Để hỗ trợ nhân viên tốt hơn, sau đây là 6 khía cạnh của văn hóa tạo động lực và đề cao hiệu quả công việc.
6 khía cạnh văn hóa cần xây dựng cho môi trường làm việc linh hoạt
Giao tiếp (Communication)
Giao tiếp hai chiều hiệu quả là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi nhân viên của bạn được phổ biến thông tin minh bạch, được chia sẻ và lắng nghe ý kiến, họ sẽ cảm thấy được gắn kết hơn, là một phần thực sự của tổ chức cũng như có quyền thể hiện mình. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo dường như vẫn thiên về mô hình giao tiếp trực tiếp. Khi đánh giá môi trường làm việc, hãy tiếp cận góc độ luồng thông tin được lưu truyền qua các nhóm, các cấp khác nhau hiệu quả đến đâu trong tổ chức của mình. Tìm kiếm rào cản để tạo nên sự minh bạch cũng như phân tích các quy trình và cơ cấu sẵn có để giúp cấp lãnh đạo, quản lý cũng như nhân viên giao tiếp hiệu quả trong môi trường thiếu sự đồng bộ.
Hợp tác (Collaboration)
Sự hợp tác có thể là một thách thức trong môi trường làm việc linh hoạt, đặc biệt là những hoạt động có liên quan đến thảo luận và giải quyết vấn đề. Nếu đội ngũ nhân sự không có giải pháp để vượt qua trở ngại này, mỗi cá nhân có thể cảm thấy bị cô lập, tách biệt và bất lực, nhất là khi phải ra quyết định. Để đảm bảo nhân viên có thể đóng góp một cách hiệu quả, hãy đánh giá các giải pháp hợp tác cũng như các giá trị và chuẩn mực văn hóa công ty để biến tinh thần tập thể trở thành một phần trọng tâm trong trải nghiệm của nhân viên. Không những thế, việc xây dựng cuộc họp như một buổi trao đổi, chia sẻ cũng giúp đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình một cách bình đẳng. Những việc làm này góp phần tạo nên sự hợp tác hiệu quả.
Kết nối (Connection)
78% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng gắn kết với đồng nghiệp của họ tốt hơn so với làm việc từ xa. Mặc dù việc tạo lập mối quan hệ sẽ dễ dàng hơn khi làm việc trực tiếp, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một cộng đồng vững mạnh trong môi trường làm việc linh hoạt. Khi nhân viên cảm thấy được kết nối với đồng nghiệp và tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ có nhiều động lực hơn, cùng tham gia vào giải quyết những vấn đề của tập thể và tự tin thể hiện khả năng của mình một cách độc lập, điều này có tác động rất lớn đến hiệu quả công việc. Bạn hoàn toàn có thể đóng góp cho môi trường làm việc bằng cách nuôi dưỡng ý thức về mục tiêu chung. Dành thời gian cho các hoạt động gắn kết đội ngũ và thể hiện mong muốn được quản lý thường xuyên kiểm tra, đánh giá trực tiếp về nhóm.
Sự quan tâm (Care)
Trong mô hình làm việc linh hoạt, nhiều nhân viên có thể sẽ phải làm việc ngoài giờ cho dù là ở nhà hay văn phòng, vô tình làm ranh giới giữa cuộc sống công sở và gia đình không còn nữa. Khi sự khác biệt đó dần biến mất, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên. Ngoài ra, khả năng nhân viên làm việc quá sức cũng trở nên cao hơn – đồng nghĩa với việc chính sách chăm lo cho sức khỏe của nhân viên cũng sẽ có nhiều thay đổi. Hãy đánh giá các chương trình chăm sóc sức khỏe của tổ chức để đảm bảo rằng nhân viên của bạn không chỉ nhận được những quyền lợi về chăm sóc sức khỏe thể chất. Ngoài ra, khuyến khích nhân viên đặt ra giới hạn bản thân và xem xét chính sách phúc lợi. Qua đó, cần có quy định cụ thể về thời gian làm việc, ngày nghỉ có lương hoặc những ngày tìm hiểu về sức khỏe cảm xúc.
Tuyên dương (Commendation)
Nhiều nhân viên thường không quá quan tâm đến công việc của đồng nghiệp mình, thậm chí là bỏ lỡ những lần đồng nghiệp của mình được tuyên dương khi làm việc từ xa. Nói cách khác, việc quản lý vi mô cần được xem xét hạn chế trong doanh nghiệp. Thay vào đó, chúng ta cần vinh danh và ghi nhận những đóng góp của mỗi người, các thành viên trong nhóm cũng cảm thấy được công nhận và đồng nghiệp sẽ luôn giữ được sự gắn kết trong các dự án. Đồng thời, cũng cần xây dựng những quy chế khen thưởng cũng như đánh giá năng suất dựa trên báo cáo công việc của nhân viên. Mô hình và cơ cấu của từng nhóm dự án cũng cần được phân tích, áp dụng để tăng cường sự gắn kết giữa các đội nhóm.
Sự nghiệp (Career)
Nhân viên làm việc tại văn phòng có nhiều cơ hội thăng tiến và phúc lợi tốt hơn so với những người làm việc từ xa. Điều đó có thể đặt ra một thách thức lớn do tác động của việc học tập, đào tạo và thăng tiến đối với sự chuyên cần nhân viên. Để áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn, hãy xem xét các công cụ quản lý hiệu suất để tạo ra một quy trình đánh giá công bằng hơn. Xác định những cơ hội để lãnh đạo cùng các bộ phận Nhân sự và Học tập & Phát triển có thể tham gia vào việc đào tạo kỹ năng và xây dựng lộ trình đào tạo chuyên môn và thăng tiến. Đồng thời, lên kế hoạch phát triển có mục tiêu rõ ràng để thúc đẩy cơ hội thăng tiến trong tổ chức.
1 bước nhanh chóng cho sự khởi đầu
Sau khi tham khảo danh sách và xem xét những công cuộc chuyển đổi mà doanh nghiệp bạn đã từng trải qua, chắc hẳn bạn đã tìm ra được hướng đi đúng đắn để cải thiện môi trường làm việc hiện tại. Để có một khởi đầu thuận lợi, hãy đi từ bước lắng nghe.
Mặc dù mỗi người lãnh đạo sẽ có quan điểm và nhìn nhận khác nhau về văn hóa công ty, việc xây dựng dựa trên những chia sẻ và phản hồi của nhân viên sẽ tạo nên phản ứng tích cực trong tổ chức. Hãy dành thời gian thực hiện các khảo sát nội bộ công ty, tập trung vào những nguyên tắc mấu chốt:
- Hiểu được điểm khác biệt giữa những giá trị cũng như nguyên tắc được đề ra với trải nghiệm thực tế của nhân viên.
- Ghi nhận những mô hình quản lý làm việc thành công từ các nhóm để áp dụng vào việc quản lý quy mô lớn
- Nhận định những cơ hội để cải thiện môi trường làm việc
Một khi đã nhìn thấy những điểm mạnh và lỗ hổng trong văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch và bắt đầu thực hiện những mục tiêu thiết thực trong quá trình xây dựng môi trường làm việc trở nên tốt đẹp hơn.
Nguồn: emergenetics.com