Xung Đột Văn Hoá Nơi Công Sở: Ba Ngày Một Trận Nhỏ, Năm Ngày Một Trận Lớn, HR Xử Sao Cho Khéo?
02/06/2022
Cứ tưởng công ty "nửa tây nửa ta" là môi trường làm việc trong mơ: văn phòng sang chảnh, tác phong chuyên nghiệp, lương cao, đãi ngộ tốt,... nhưng xung đột diễn ra như cơm bữa giữa nhân viên sẽ khiến các HR chân ướt chân ráo mới vào làm nhanh chóng vỡ mộng.
Trong thời đại số mang tính kết nối mạnh mẽ và các tập đoàn, doanh nghiệp không thiếu các nhân viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Sự đa dạng trong lối ứng xử, giao tiếp vô tình tạo ra những tình huống hiểu lầm dở khóc dở cười mà HR là người phải mệt mỏi vì “thu dọn tàn cuộc”.
HR đôi khi muốn “mắt không thấy, tâm ít phiền”
Khi vào giai đoạn cao điểm, không chỉ các bộ phận chuyên môn tăng ca, HR cũng là bộ phận đầy nỗi niềm khi phải nỗ lực giúp các phòng ban giải tỏa căng thẳng “mùa dự án”. Chị Minh Thương (trưởng phòng nhân sự một công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM) chia sẻ: “Công ty có cả nhân viên người Việt lẫn Mỹ, nên những hiểu nhầm, bất đồng là không thể tránh khỏi. Mấy tháng trước, phòng dự án có 2 bạn đồng cấp Việt – Mỹ bất đồng về cách quản lý, thậm chí còn kéo nhau lên cả phòng giám đốc phân xử. Chị ngồi nghe 2 bạn tranh cãi mà cũng mệt mỏi theo”.
Theo chị Thương, bộ phận nhân sự không có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp về công việc của nhân viên, nhưng cũng không thể làm ngơ. Thậm chí, những giai đoạn công ty bước vào guồng quay cao điểm cũng là lúc chị Thương và các thành viên HR phải “vận hết tốc lực” để hạn chế tối đa xung đột, cãi vả. “Trong môi trường quốc tế, sự khác biệt trong văn hóa trao đổi, truyền đạt lúc nào cũng có. Bất đồng về ngôn ngữ cũng là một rào cản không nhỏ để đồng nghiệp bày tỏ ý kiến với nhau. Nhiều lúc chị muốn mặc kệ, mắt không thấy thì tâm bớt phiền, nhưng như vậy có thể khiến sợi dây gắn kết tổng thể càng rời rạc, lỏng lẽo”.
Không riêng chị Thương, nhiệm vụ trung hòa, cân bằng cá tính của các thành viên trong đội nhóm nói riêng và cả doanh nghiệp nói chung luôn là bài toán khó với cộng đồng HR. Sự thấu hiểu, khéo léo và đặt lợi ích chung của người lao động lên hàng đầu là những yếu tố giúp HR chia sẻ, gắn kết các thành viên trong tập thể.
Làm sao để trở thành “chuyên gia gỡ rối” trong môi trường nhiều cá tính mạnh?
Theo các chuyên gia Talentnet, HR không thể “mặc kệ” những bất đồng giữa nhân sự trong công ty, dù có thể đó không thuộc nhiệm vụ của mình. Trên tất cả, vai trò của bộ phận nhân sự chính là tạo môi trường làm việc lành mạnh, có lợi và thấu hiểu nhân viên, gắn kết doanh nghiệp.
Trong môi trường đa quốc gia, việc tiếp xúc, trao đổi, làm việc với đồng nghiệp ngoại quốc không còn là điều xa lạ. Do đó, việc tạo ra và thúc đẩy một môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng và ủng hộ sự đa dạng văn hóa, cá tính là mục tiêu đầu tiên HR cần đạt được. Tiếp theo, việc đào tạo về đa dạng văn hóa là điều cần thiết cho một doanh nghiệp toàn cầu, để mọi nhân viên đều hiểu, tôn trọng sự khác biệt văn hóa của nhau, đồng thời học cách giao tiếp hiệu quả với các nền văn hóa khác.
Ví dụ với người phương Tây, việc trao đổi trực diện vấn đề được xem là cách thức giao tiếp hữu hiệu nhất, tuy nhiên với phần lớn người châu Á đó lại chưa phải cách tiếp cận phù hợp. Việc tôn trọng và hiểu đúng về sự đa dạng của các nền văn hóa trong lối cư xử, giao tiếp sẽ giúp người lao động thuận lợi hơn trong trao đổi nhiệm vụ, công việc.
Là phòng ban có vai trò kết nối, HR có thể tạo cơ hội để đồng nghiệp thấu cảm nhau và gắn bó hơn với công ty qua những hoạt động nhỏ:
- Thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện, chia sẻ về văn hóa, cuộc sống. Đây là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về những khác biệt trong văn hoá của nhau, từ đó tôn trọng và có những điều chỉnh phù hợp để dung hoà.
- Tổ chức các hoạt động gắn kết vào những dịp bất ngờ: Không cần phải đợi những dịp cố định như cuối tháng, cuối tuần, tổng kết quý, những liên hoan nhỏ bất ngờ giữa tuần lại có tác dụng xua tan áp lực, kéo mọi người gần nhau hiệu quả hơn.
- Tăng hoạt động giải trí, thư giãn tại văn phòng: Bộ phận HR có thể cải thiện tâm trạng bằng những tiện ích tăng thêm ở văn phòng như mở nhạc tại khu pantry, trang trí lại văn phòng, thêm món ngọt ăn vặt ở pantry, hay tổ chức những minigame nội bộ tăng tính tương tác giữa đồng nghiệp với nhau. Chúng có tác dụng hỗ trợ người lao động giải tỏa căng thẳng trong mùa cao điểm, hạn chế nóng nảy, bất đồng xảy ra.
“”Vai trò của HR là chất keo gắn kết thành viên trong doanh nghiệp, cần được phát huy tối đa một cách linh hoạt để điều hoà các mối quan hệ, tạo thành một khối đoàn kết vững chắc. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho hoạt động nội bộ nhằm mang đến cho nhân viên những giá trị tinh thần tích cực bên cạnh môi trường làm việc chuyên nghiệp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn”, ông Jack Nguyễn – Phó Tổng Giám đốc của Talentnet nhận định. Sự khác biệt về văn hóa hành xử của người lao động ban đầu có thể là khó khăn, song chúng sẽ là thử thách tuyệt vời để HR rèn luyện những kỹ năng nhân sự cần thiết trong hành trình phát triển sự nghiệp của mình, đồng thời là nhân tố giúp doanh thu của doanh nghiệp gia tăng đáng kể.