Biti’s và Pepsico Foods: Covid-19 là bài test quan trọng về năng lực ứng xử với nguồn nhân lực của doanh nghiệp
17/05/2020
Đại dịch Covid-19 vừa là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến nhân viên, năng lực ứng xử nhân sự với nguồn lao động như Biti's và Pepsico Foods; vừa là thách thức để giúp doanh nghiệp chuyển mình, khẳng định sự chuyên nghiệp cũng như là định vị những giá trị cốt lõi.
Chị Hà Trang – Giám đốc nhân sự Pepsico Foods (áo trắng ở giữa)
Có lẽ không cần nói nhiều về những thiệt hại mà đại dịch Covid 19 gây ra. Đại dịch Covid-19 chính thức ập đến đầu năm 2020 khiến cho nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới bị “đóng băng”. Việt Nam cũng không thể thoát được khỏi “vòng xoáy tử thần” đó. Nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào tình thế khó khăn, như khủng hoảng về tài chính, vận hành công ty…
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các nhà lãnh đạo để xác định những giá trị cốt lõi, cũng như thể hiện năng lực ứng biến cấp tiến, sự quan tâm đến nguồn nhân lực của công ty.
Cách đây chưa lâu, theo kết quả từ khảo sát nhanh từ Talentnet về chính sách nhân sự trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với sự tham gia của 172 doanh nghiệp, đại đa số các biện pháp ứng phó nhân sự của các công ty về chi trả lương, thưởng hay các biện pháp bảo vệ sức khỏe đều cho thấy tinh thần “nhân viên là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”. Điều này cho thấy sự nỗ lực và ứng biến linh hoạt của các tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Trong tất cả, Biti’s và Pepsico Foods đang là 2 doanh nghiệp thể hiện rõ nhất tinh thần nói trên nhất.
Chị Vưu Lệ Quyên – CEO của Tập đoàn Biti’s
“Sau Tết và kéo dài cho đến cuối tháng 4, công ty gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Thế nên, chúng tôi đã quyết định ngừng luôn việc tổ chức lễ khai trương thường niên. Tháng 4, doanh thu nội địa của Biti’s giảm 60%, 150 cửa hàng đóng cửa, khách hàng châu Âu cắt giảm đơn hàng liên tục, ban lãnh đạo công ty cũng không biết doanh thu trong tương lai thế nào.
Ngoài ra, khi đại dịch ập đến, chúng tôi ngay lập tức nghĩ đến hơn 8.200 lao động của mình. Nói chung, tìm giải pháp để nhân viên hạnh phúc, đảm bảo được công ăn việc làm trong giai đoạn đầy rẫy biến cố như mùa dịch quả là một câu chuyện không hề đơn giản.
Theo đó, chúng tôi vẫn ra quyết định duy trì an sinh xã hội, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tiếp nữa, chúng tôi đã triển khai việc giãn cách, giảm giờ làm, người lao động luân phiên nghỉ ở nhà để ai cũng có việc làm và duy trì sự vận hành công ty, ít nhất là trong 2 – 3 tháng tiếp theo. Đặc biệt, khi đơn hàng giảm, nhân viên có nhiều thời gian, chúng tôi đã mời chuyên gia để tập huấn online cho nhân viên và cả vợ hoặc chồng của họ, nhằm giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng để chăm sóc gia đình mình tốt hơn.
Chúng tôi cũng xem giai đoạn này như một khoảng thời gian tái tạo năng lượng, sẵn sàng cho giai đoạn kế tiếp”, chị Vưu Lệ Quyên – CEO của Tập đoàn Biti’s chia sẻ trong Tọa đàm online “Tái kiến tạo môi trường năng động nơi công sở” do Talentnet tổ chức.
Cũng như Biti’s, Pepsico Foods cũng rất quan tâm đến các nhân sự của mình trong suốt đại dịch Covid-19 còn hơn ngày thường.
Ngoài việc phản ứng tức thì ngay từ đầu mùa dịch với các quy định cụ thể về an toàn nơi làm việc, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ để nhân viên có thể làm việc tại nhà, cung cấp trang thiết bị bảo hộ, xây dựng các cấp nhóm truyền thông nội bộ từ cấp khu vực đi xuống đến các văn phòng, tổ chức các buổi học online giúp nhân viên vượt qua tâm lý hoảng sợ trong mùa dịch v.v…; Pepsico Foods còn khảo sát thăm dò mức độ sẵn sàng và tinh thần của nhân viên trước khi có quyết định chính thức về việc quay lại văn phòng khi hết giãn cách.
Bởi doanh nghiệp này hiểu rằng: để gắn kết nhân viên trong giai đoạn Covid-19, họ cần đặt nhân viên làm trọng tâm, đưa sự an toàn – sức khỏe của nhân viên lên hàng đầu. Từ đó công ty mới có chính sách, hướng dẫn hỗ trợ kịp thời nhằm giữ được sự tin tưởng và gắn kết của nhân viên trong giai đoạn khó khăn này.
Các diễn giả trong Tọa đàm trực tuyến “Tái kiến tạo môi trường năng động nơi công sở”.
“Không chỉ quan tâm đến các nhân viên tại văn phòng, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhân viên tiền tuyến bao gồm nhân viên bán hàng, nhân viên khối sản xuất, nhân viên nông học – những người vẫn phải trực tiếp ra ngoài làm việc với đối tác như các nông trại xa trong thời buổi dịch bệnh…Họ chính là lực lượng lao động có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong giai đoạn này.
Do đó, chúng tôi đã có những khoản thưởng đặc biệt, những chương trình bảo vệ như trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cần thiết để hạn chế lây nhiễm, cam kết hỗ trợ lương cho họ nếu xảy ra rủi ro khi làm việc…, như cách thể hiện sự biết ơn của doanh nghiệp đến nhóm lao động này.
Và chúng tôi rất vui khi các nhân viên không chỉ an tâm làm việc – thông qua tỉ lệ nghỉ phép/nghỉ ốm trong giai đoạn này thấp hơn 1% so với trước Covid-19; mà còn là chuyện các nhân sự trong công ty luôn tự hào khi chia sẻ với bạn bè người thân về những đối sách đặc biệt mà công ty dành cho mình. Với chúng tôi, đó chính là thành công lớn nhất”, chị Hà Trang – Giám đốc nhân sự Pepsico Foods kể về những ứng biến cụ thể với dịch bệnh của đơn vị mình.
Rõ ràng, tuy cách làm khác nhau, nhưng mỗi doanh nghiệp đều có sự sáng tạo, ứng biến nhanh nhạy để xoay chuyển tình thế trong thời khủng hoảng. Ngoài Biti’s và Pepsico Foods, chắc chắn còn rất nhiều doanh nghiệp khác, những câu chuyện khác khắp Việt Nam, với nhiều màu sắc khác nhau, được các nhà lãnh đạo trăn trở, tâm huyết khi triển khai, nhằm vượt ‘bão’ một cách nhẹ nhàng, hiệu quả và nhân văn nhất.