Chuyên gia gợi ý mô hình nhân sự sẵn sàng trước khủng hoảng
26/06/2020
“Lò xo" đang được giới chuyên gia nhìn nhận là hình thái về cách doanh nghiệp đàn hồi, bật tăng mạnh mẽ sau những thách thức.
“Lò xo” đang được giới chuyên gia nhìn nhận là hình thái về cách doanh nghiệp đàn hồi, bật tăng mạnh mẽ sau những thách thức.
Thế giới bước vào năm 2020 với nhiều thách thức cho xã hội lẫn giới kinh doanh. Khởi đầu với Covid-19, tiếp nối bởi sự xáo trộn của chuỗi quy trình toàn cầu hóa, hành vi tiêu dùng… Nếu ví những thách thức này là một loại ngoại lực, thì loại ngoại lực này có hai đặc tính. Thứ nhất đây là loại ngoại lực vô hình, thứ hai là ngoại lực này có sức công phá lớn, đang tác động trực tiếp đến khách hàng, sản phẩm, nhân viên – những giá trị cốt lõi có thể quyết sinh tồn của một doanh nghiệp.
Gạch, mút hay lò xo để sẵn sàng cho khủng hoảng?
Theo bà Tiêu Yến Trinh – CEO Talentnet, cũng là chuyên gia có hơn 20 năm đồng hành cùng các tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam trong việc xây dựng các giải pháp xây dựng đội ngũ nhân sự, doanh nghiệp có thể hóa giải đặc tính vô hình của biến cố bằng cách thường xuyên cập nhật tình hình thị trường, theo dõi các chỉ số tài chính, xuyên suốt phân tích phản hồi của khách hàng để biết có “ngoại lực” nào đang tác động ra sao đến công ty và sớm đưa ra phản ứng.
Còn để vượt qua sức công phá lớn vào các giá trị cốt lõi – cũng chính là đặc tính thứ hai, doanh nghiệp cần phải dựa vào nội lực, mà trong đó yếu tố chủ đạo là sức mạnh từ đội ngũ nhân sự. Lãnh đạo Talentnet phân tích thêm, gạch, mút và lò xo chính là cách để định hình cho nội lực của doanh nghiệp, cũng tương ứng với cách doanh nghiệp phản hồi trước biến cố.
Cụ thể, có doanh nghiệp định hình mình như viên gạch, cứng rắn và đông đặc. Trường hợp này khi có ngoại lực tác động, những “viên gạch” sẽ đón nhận mọi biến cố và tự tin vào sự vững vàng của mình. Tùy theo mức độ ảnh hưởng mà doanh nghiệp có thể trụ vững hoặc tổn thương và sụp đổ. Cấu trúc nhân sự doanh nghiệp phổ biến thứ hai là tấm mút – biến cố đánh đến đâu, doanh nghiệp co mình đến đó, giảm tối đa mức độ tác dụng của ngoại lực giúp cho tác động của biến cố được giảm tối đa.
Nhóm doanh nghiệp cuối cùng sẽ như một tấm lò xo. Theo vật lý, lò xo chuyển hóa toàn bộ công năng của ngoại lực khi tác động thành thế năng đàn hồi. Tính chất này khi được lý giải theo chuyên gia nhân sự, chính là khả năng “lì đòn” trước các biến cố.
“Trường hợp này các công ty dạng lò xo sẽ rất sẵn lòng để sử dụng ngoại lực như một sư thúc đẩy để “trở mình” ngược lại để tiếp tục phát triển, thay vì chịu đòn và ‘trở tay’ không kịp”, bà Tiêu Yến Trinh nói và đồng thời cho rằng, lò xo là hình mẫu mà các doanh nghiệp bền vững tại các quốc gia phát triển vẫn hướng đến, khiến nhân viên “lì đòn” hơn trước các thách thức và sẵn sàng “bật lại” sau những giai đoạn khó khăn.
“Đổi gen” từ gạch, mút sang lò xo
Hình thái doanh nghiệp lò xo không thể định hình trong một sớm một chiều. Đối với các doanh nghiệp với quy mô hàng trăm nhân viên, việc biến đổi từ viên gạch hay mút sang lò xo đã khó, thì các tập đoàn hàng nghìn người, trải rộng hệ thống khắp nơi thì đòi hỏi bộ phận nhân sự phải giải hàng loạt bài toán từ sớm, từng bước, đặt mục tiêu dài hạn thì lò xo mới có thể đàn hồi tốt.
Để “đổi gen” từ gạch sang lò xo, doanh nghiệp xác định là phải thay đổi tài sản chiến lược. “Các lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ tác động của những thay đổi lớn lên cách thức làm việc của nhân viên và phương thức vận hành của doanh nghiệp”, Brian Kropp – Phó chủ tịch Gartner – công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu, chia sẻ.
Thay đổi hoàn toàn năng lực cốt lõi là thay đổi toàn bộ bộ gen của doanh nghiệp, là một bài toán bao gồm thay đổi về con người, hệ thống, cách vận hành, trong văn hóa doanh nghiệp và người lãnh đạo. Trong số đó, yếu tố xương sống vẫn là con người.
Như vậy, để “đổi gen” thành công để nâng cao sức bật, đầu tiên, doanh nghiệp cần xây dựng mạng lưới nhân sự có tính tương hỗ cao, thể hiện rằng công ty, doanh nghiệp linh hoạt. Mỗi nhân viên cần có những đồng nghiệp khác có thể hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ hoặc thậm chí thay thế họ trong nhiều tình huống. Ngay trong những tình thế cấp bách, chính sự động viên hoặc hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhân viên cùng cấp khiến bộ máy nhân sự của doanh nghiệp không bị đổ vỡ.
Thứ hai, doanh nghiệp cần cho nhân viên thấy ý nghĩa và vai trò của họ trong bức tranh lớn. Đừng khiến nhân viên cảm thấy họ đang chơi trò chơi “thắng – thua” trong công việc, thắng thì được thăng tiến, thua thì mất quyền lợi, giảm lương, mất việc. Hãy để họ biết rằng mỗi động thái của họ đều có tác động đến công ty ra sao, là mắt xích quan trọng như thế nào. Kích thích họ làm những điều vượt khỏi mô tả công việc và chấp nhận những rủi ro có thể kiểm soát, để khi những rủi ro hay biến cố thật sự ập đến, doanh nghiệp đã sẵn sàng một đội binh tinh nhuệ.
Cuối cùng, đồng thời là nền tảng chìa khóa để doanh nghiệp hình thành nên tố chất cứng cáp là hoạt động đào tạo. Hãy nhớ mỗi nhân viên là một mắt xích quan trọng như nhau và cách quản lý doanh nghiệp chọn lọc những nhân tố tài năng đã là lạc hậu. Hãy để mọi nhân viên được tham gia vào quá trình phát triển năng lực bản thân, được huấn luyện bởi những chuyên gia hàng đầu. Trong chương trình đào tạo, doanh nghiệp cần làm mọi biện pháp để kích hoạt tính “sẵn sàng” trong mọi nhân viên.
Lò xo giãn ra rồi trở lại điểm nghỉ bằng chính nội lực. Do đó trước mọi sự cố không mong đợi thì doanh nghiệp đã sở hữu bộ máy nhân sự đủ linh hoạt, mềm mỏng đúng lúc và cứng rắn khi cần sẽ dễ xoay chuyển nghịch cảnh thành cơ hội.
“Năng lực của con người là không giới hạn, ban lãnh đạo cùng người làm nhân sự phải luôn thúc đẩy, tạo điều kiện để các thế hệ nhân viên ngày càng sáng tạo và phát triển, vượt ra mọi khuôn khổ, về cả tầm nhìn và tư duy, từ đó góp phần cho sự phát triển và đổi mới của doanh nghiệp”, CEO Talentnet cho biết.
Bảo An
Nguồn: VnExpress