Doanh nghiệp Việt cân nhắc gì cho bài toán thắt chặt chi tiêu?
18/05/2020
Đối mặt với đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19, không một doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ là không bị ảnh hưởng.
Đối mặt với đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19, không một doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ là không bị ảnh hưởng. Đi đôi với việc thắt chặt chi tiêu, cắt giảm bớt ngân sách ở một số hạng mục hoạt động, có những khoản doanh nghiệp buộc phải đầu tư nếu muốn vượt qua giai đoạn này để phát triển dài hạn.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, GDP quý I năm 2020 chỉ tăng 3,82%, thấp nhất trong 11 năm qua. Số liệu từ Khảo sát về Đối sách Nhân sự trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 do Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài – Talentnet thực hiện vào tháng 4 năm 2020 cũng cho thấy chỉ 13% doanh nghiệp dự đoán tăng trưởng doanh số trong năm 2020. Và một trong những quyết định tiên quyết để ứng phó mà các doanh nghiệp đã nhanh chóng thực hiện chính là cắt giảm ngân sách để tập trung cho các mục tiêu mới, thậm chí “làm lại từ đầu” ở một số doanh nghiệp hứng chịu hậu quả nặng nề nhất như du lịch, khách sạn, nhà hàng… Tuy vậy, thắt chặt chi tiêu không có nghĩa là cắt giảm toàn bộ, mà cần có sự cân đối hợp lý.
Cắt giảm chi phí theo chiều hướng nhân văn
Theo Khảo sát về Đối sách Nhân sự trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà Talentnet đã thực hiện với 172 doanh nghiệp từ giai đoạn cuối tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 năm 2020, có 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ xem xét cắt giảm ngân sách nhân sự và mức cắt giảm vào khoảng 20% trở lại. Trong đó, ba loại ngân sách được xem xét cắt giảm cao nhất là Tuyển dụng (55%), Đào tạo Phát triển (41%) và Ngân sách Lương thưởng (30%).
Cùng với cắt giảm ngân sách nhân sự, ngân sách dành cho mảng Tiếp thị – Truyền thông (Marketing) về doanh nghiệp, về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp… cũng phải cắt giảm trước tiên. Bởi lẽ, nhu cầu mua sắm, lượng tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh do giãn cách xã hội cũng như tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân. Được biết, có đến hơn 50% doanh nghiệp thực hiện khảo sát cho biết doanh thu sụt giảm, và gần 30% doanh nghiệp tạm thời chưa xác định được.
Với xu hướng cắt giảm này, mục tiêu của doanh nghiệp là tiết kiệm chi phí để đảm bảo những quyền lợi khác cho người lao động. 88% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa có kế hoạch giảm lương cơ bản của nhân viên và 83% doanh nghiệp đã trả thưởng năm 2019 cho nhân viên theo kế hoạch. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những người đứng đầu doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm giải pháp tốt nhất để bảo tồn các chế độ lương thưởng cho người lao động.
Hậu Covid 19: tối ưu hóa ngân sách vẫn cần ưu tiên chiến lược nhân sự
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Talentnet cho biết: “Chưa bao giờ trong sự nghiệp làm nghề tư vấn nhân sự của mình, tôi lại chứng kiến những biến động lớn như vậy ở các doanh nghiệp. Rõ ràng, để “đối ứng” với hậu quả của COVID-19, doanh nghiệp rất cần một ngân sách chi tiêu hiệu quả dành cho mảng nhân sự, nếu không sẽ bị kéo theo vòng xoáy cắt giảm tối đa chi phí nhưng ảnh hưởng lớn tới “sức khỏe” của doanh nghiệp và mục tiêu dài hạn. Đặc biệt, phép thử vẫn chưa dừng lại, thậm chí mới chỉ là bắt đầu khi hậu COVID-19 mở ra một đường đua mới với nhiều tiềm năng lẫn thách thức mà doanh nghiệp cần linh hoạt ứng phó. Hiện tại Talentnet chúng tôi cũng tạo ra những gói dịch vụ linh hoạt, gọn nhẹ hơn để đáp ứng nhu cầu đối ứng của doanh nghiệp hiện nay trong vấn đề quản trị nhân sự.”
Có thể nói, chưa bao giờ bộ phận nhân sự lại “sôi động” và đầy sáng tạo trong việc phối hợp với Ban Giám đốc để thiết kế các hình thức làm việc linh hoạt như giai đoạn này. Đồng thời, chúng ta cũng cần nhìn nhận trong rủi có may, khi rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt thì chính hoàn cảnh là bộ lọc hoàn hảo nhất, giúp các doanh nghiệp đánh giá được năng lực của từng nhân viên, xác định được nhóm năng lực hiện có, nhóm cần tuyển thêm, cần “mượn tạm” để phát triển những mục tiêu mới của doanh nghiệp.
Tối ưu hóa ngân sách nhân sự hiệu quả là một bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp muốn đi “đường dài”
Tuy nhiên, làm sao để có được một chiến lược nhân sự hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu kinh doanh mới mà vẫn không tăng ngân sách, thì lại là một bài toán phức tạp mà doanh nghiệp cần cân nhắc, thậm chí mạnh dạn đầu tư để mang lại lợi ích lâu dài. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp nên nhờ đến sự tư vấn về chiến lược nhân sự từ những đơn vị có chuyên môn.
Như vậy, để doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn, không chỉ dùng mỗi một giải pháp là cắt giảm chi phí, mà cần phải hiểu biết để xác định được khoản nào cần giảm, khoản nào cần ưu tiên đầu tư, khoản nào cần thực hiện hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn hoặc không cao hơn. Nếu không, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào vòng xoáy tiết kiệm không đúng cách và ảnh hưởng đến sự phát triển “đường dài” của chính mình.
Nguồn: Dân Trí