Gen Z Được Quan Tâm Nhất, Còn Gen Y 'Gánh Việc Còng Lưng' Thì Sao?
07/09/2022
Là mắt xích quan trọng trong doanh nghiệp, vị trí quản lý (manager) ở các phòng ban đóng vai trò rất lớn trong quá trình điều phối và vận hành nguồn nhân lực. Nhưng, cấp quản lý thuộc Gen Y cũng đang bất ổn với tình trạng kiệt sức.
Nhóm nhân sự có tỉ lệ nghỉ việc cao nhất
Nhiều người vẫn nghĩ người quản lý được nhận mức lương cao hơn đồng nghĩa với việc làm gấp 2 – 3 lần số công việc của nhân viên bình thường. Tuy nhiên, vị trí này được trả lương để theo dõi, đánh giá và chịu trách nhiệm về hiệu quả và hiệu suất công việc của nhân viên thuộc quyền quản lý của mình, từ đó họ có thể mang đến những giá trị cao hơn cho doanh nghiệp.
Một khảo sát gần đây của Gallup cho thấy, hiện trạng kiệt sức của nhân sự Gen Y đã tăng từ 27% (2020) lên 35% (2021), và 42% (2022), trong khi đó tỉ lệ này ở Gen Z là 34%, Gen X (những người sinh từ giữa thập niên 1960 đến cuối thập niên 1970) là 27%, baby boomer (sinh từ 1946 đến 1964) là 21%.
Tuy nhiên, ngoài áp lực vì sự xáo trộn trong nhân sự, đôi khi chính các nhà quản lý cũng tự đẩy mình vào vòng xoáy kiệt sức, bởi những lý do xuất phát từ “tính cách thế hệ” của họ. Vị trí quản lý cũng chủ yếu làm công việc giám sát, nhưng hầu hết người quản lý thuộc Gen Y đang trong công cuộc chuyển đổi giữa người được giám sát lên người giám sát. Trong giai đoạn chuyển giao này, nhiều manager trẻ nhập nhằng giữa việc quản lý và giải quyết các công việc.
Nhận xét về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet, cho rằng quản lý thuộc thế hệ Y thường xuất hiện với hình ảnh mạnh mẽ, tháo vát, nhưng họ rất cần sự quan tâm. Bà nói: “Là những người chịu nhiều trách nhiệm, cùng với sự đặc trưng trong tính cách thế hệ đã đặt các manager Gen Y vào tình trạng kiệt sức. Để gỡ rối, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận đa hướng để duy trì sự cân bằng, từ việc thấu cảm cảm xúc và mong muốn của nhân viên, đến việc tìm hiểu và áp dụng các xu hướng nhân sự mới trên thế giới. Nhưng quan trọng hơn hết là để chính họ sắp xếp lại sự ưu tiên trong công việc của mình“.
Làm gì để cân bằng giữa thực thi và quản lý?
Với vị trí manager, quản lý, giám sát là KPI quan trọng nhất. Gen Y cần đặt ra giới hạn giữa quản lý và thực thi để tránh sa đà vào những “công việc không tên” tại công sở.
Bạn có thể xây dựng bảng phân bổ công việc hợp lý cho nhân viên, chia nhỏ công việc cho từng nhóm nhân sự để giúp họ tự phát triển năng lực bản thân. Đây cũng là cách dễ dàng theo dõi và quản lý hiệu suất công việc của cấp dưới.
Với những “tấm chiếu mới” thuộc Gen Z, thay vì đặt nặng suy nghĩ “cầm tay chỉ việc”, cấp quản lý chỉ nên dừng lại ở phần hướng dẫn cơ bản để nhân viên có thể thể hiện năng lực bản thân. Thời gian còn lại nên được sử dụng để giám sát, cập nhật tiến độ công việc, hỗ trợ và đưa ra lời khuyên cho nhân viên khi cần thiết.
Bà Hương gợi ý thêm: “Lãnh đạo nên ưu tiên liệt kê các KPI quản lý lên hàng đầu cho nhân sự cấp manager, để họ rèn luyện kỹ năng quản lý công việc, đồng thời hạn chế tối đa các KPI liên quan đến thực thi, để tránh bị nhập nhằng giữa 2 công việc này“.
Nguồn: Tuổi Trẻ