Nghỉ Việc Vì Đi Team Building Vẫn Phải Làm Thêm Giờ, Không Lương
28/07/2022
Hậu đại dịch COVID-19, thực trạng nhân sự nhảy việc hàng loạt trở thành thách thức của nhiều doanh nghiệp.
Nhân viên quá tải, không hài lòng…
Từ đầu năm nay, N.M.Phong (23 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) làm việc tại một tập đoàn công nghệ lớn. Dù hiểu đôi lúc sẽ phải làm thêm giờ (OT), nhưng Phong thật sự bất ngờ vì OT quá nhiều. Anh cảm thấy mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Làm việc giờ hành chính trên công ty, về nhà cũng không dám rời máy tính. Ai nhắc là phải bật máy làm liền, lúc thì nửa đêm, khi thì rạng sáng, làm cả ngày nghỉ. Thậm chí tham gia team building tôi vẫn phải mang máy theo”, Phong chia sẻ.
Quản trị nhân sự phải “tái suy xét”
Một số chuyên gia về nhân sự cho rằng, với tư duy tái suy xét (rethinking), doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp “cứu nguy” cho bài toán khó này.
“Hậu đại dịch, các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với những thách thức vĩ mô như môi trường kinh doanh, lạm phát tăng cao hay cách vận hành công ty, mà còn phải tìm cách đáp ứng các yêu cầu mới hoặc đối phó với làn sóng nghỉ việc của người lao động.” – bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Công ty nhân sự Talentnet, cho biết.
Theo bà, tái suy xét nghĩa là cần xem xét lại chiến lược và cách vận hành hiện tại, mạnh dạn thay đổi, loại bỏ những cái lỗi thời, không phù hợp với thời đại. Trong đó, việc tái suy xét chiến lược con người là xương sống quan trọng nhất, bởi đây chính là “động cơ chính” giúp doanh nghiệp vận hành.
Tái suy xét từ lâu đã là một tư duy nền tảng trong quản trị nhân sự. Sau 2 năm đại dịch với những biến động không ngừng, tư duy này một lần nữa trở thành tâm điểm.
Ông Trần Thanh Tân – phó chủ tịch hội đồng quản trị Dragon Capital Việt Nam, nhà tài trợ chiến lược giải thưởng của Vietnam HR Awards 2022 gần đây – cho hay, ông nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã ứng biến tốt với các rủi ro bằng phương thức “tái suy xét”. Nhiều đơn vị đã giành được giải thưởng tại mùa giải thứ 4 của Vietnam HR Awards – giải thưởng về quản trị nhân sự tại Việt Nam – nhờ điều này.
Theo bà Yến Trinh phân tích, việc áp dụng phương pháp này giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong chính sách nhân sự, cho nhân viên nhiều quyền chủ động hơn trong công việc, khiến bản thân người lao động tự kích hoạt khả năng quản lý công việc, chủ động tái suy xét trong cách làm việc.
Một phương pháp nữa để quản trị nhân sự hiệu quả, nắm rõ “đường đi lối về” của nhân viên, các doanh nghiệp phải có văn hóa cởi mở, trao cơ hội để nhân viên lên tiếng. Bà nói: “Phòng nhân sự và các cấp lãnh đạo cũng cần tạo điều kiện cho người lao động tự tin chia sẻ. Những buổi chia sẻ theo mô hình vòng tròn, các buổi phản biện mà người lao động là người “cầm trịch” sẽ là bước đệm để tái thiết lập tư duy tái suy xét, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện“.
Nguồn: Tuổi Trẻ