Quản Trị Nguồn Lực Giữa Hiện Thực Mới
05/07/2021
Ngày 02 tháng 07 năm 2021, Talentnet đã tổ chức Hội thảo trực tuyến (Webinar) với chủ đề “Quản trị nguồn lực giữa hiện thực mới" để cùng phân tích và đưa ra các nhận định về kinh tế Việt Nam cũng như thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới.
Tham gia trao đổi và trình bày có ông Đào Ngọc Thắng – Trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối khối khách hàng doanh nghiệp – Ngân hàng HSBC Việt Nam; bà Tiêu Yến Trinh – CEO – Talentnet và ông Nguyễn Hoàng Tú – Trưởng bộ phận Tuyển dụng nhân sự cấp cao Talentnet.
Trước làn sóng Covid thứ 4, tuy ngành lao động được xem là “điểm yếu” trong quá trình phục hồi sau Covid tại Việt Nam, khi phân tích về nền kinh tế, ông Đào Ngọc Thắng vẫn thể hiện một cái nhìn lạc quan khi nhận xét: “Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021”. Xuất khẩu tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt trong lĩnh vực máy tính (9%) và điện thoại (26%). Ngoài ra, lĩnh vực may mặc, giày dép cũng tăng trưởng rất đáng kể (41%). Theo bộ Kế hoạch & Đầu tư và Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp mới trong nửa năm đầu 2021 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng lớn nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp mới cũng tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó tập trung vào các ngành như bán lẻ, bán buôn, sửa chữa, chế biến, chế tạo. Dù có những ảnh hưởng nhất định lên thị trường lao động Việt Nam bởi những thay đổi của nền kinh tế, ông nhận định “tình hình kinh tế Việt Nam vẫn rất tươi sáng”.
Tham khảo số liệu, nhận định về kinh tế Việt Nam thông qua tài liệu từ diễn giả tại đây.
Về quá trình “Giải mã và kiến tạo mô hình làm việc tương lai”, bà Tiêu Yến Trinh cho rằng việc quản trị doanh nghiệp “không còn vận hành như 1 cỗ máy mà doanh nghiệp được tổ chức linh hoạt như một thực thể sống động”. Xu hướng đang dần chuyển sang mô hình “hình tròn” mới khi cấp quản lý chỉ đưa ra định hướng, tạo điều kiện và trao quyền cho cấp dưới chịu trách nhiệm thực thi. Nguồn nhân lực không còn được quản lý theo phòng ban, dựa trên mô tả công việc ban đầu mà được quản lý theo dự án, dựa trên những nhóm kỹ năng mà nhân sự sở hữu. Mô hình quản trị này giúp doanh nghiệp ứng phó nhanh chóng, linh hoạt theo thực tế thị trường trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất định phía trước. Bà cũng đưa ra những nhận định chi về xu hướng nhân sự toàn cầu như văn hóa doanh nghiệp sẽ thay đổi; các chính sách để nâng trải nghiệm của nhân viên; sự ảnh hưởng của công nghệ và việc tái đào tạo kỹ năng cho người lao động; các mô hình tuyển dụng mới v.v.
Cuối buổi hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Tú đã chia sẻ những thông tin trực quan và cập nhật về thị trường lao động Việt Nam và các mối quan tâm hàng đầu của người lao động khu vực miền Bắc, từ đó phân tích về xu hướng nhân sự nổi bật của thị trường. Trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh về việc ứng dụng công nghệ, linh hoạt thích ứng và gắn kết nhân viên. Cụ thể, để xây dựng chính sách nhân sự lấy người lao động làm trọng tâm, các doanh nghiệp nên tập trung vào 3 yếu tố: có chiến lược lương thưởng công bằng, cạnh tranh và chương trình phúc lợi hấp dẫn; tạo sự khác biệt trong trải nghiệm của nhân viên thông qua lộ trình phát triển sự nghiệp và sự hài lòng trong cuộc sống của họ; tạo nên mục đích để nhân viên chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, từ đó thấy tự hào và gắn bó hơn với tổ chức.
Tham khảo số liệu, nhận định về thị trường lao động Việt Nam thông qua tài liệu từ diễn giả tại đây.
Bạn cũng có thể xem lại webinar “Quản Trị Nguồn Lực Giữa Hiện Thực Mới” tại đây: